Nên kỷ niệm ngày xuất hiện tên gọi Hải Dương

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:50, 09/10/2019

Trong cuốn Lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994, trang 15 có ghi: “Dưới triều Lê Thánh Tông tức năm Quang Thuận thứ 10 (1469) Hải Dương thừa tuyên ra đời”.

Từ nhiều ngày nay chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đẩy mạnh mọi mặt công tác, ra sức chỉnh trang đô thị chuẩn bị kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông (1804-2019), 65 năm giải phóng thành phố (1954- 2019), chào mừng TP Hải Dương lên đô thị loại I.

Nhiều nơi khác, ngoài việc tổ chức kỷ niệm những sự kiện lớn còn tổ chức kỷ niệm lịch sử địa danh của địa phương mình. Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa, thành Thanh Hoa do vua Gia Long quyết định xây dựng năm 1804 (cùng tuổi với Thành Đông). Vì kiêng húy tên mẹ vua Thiệu Trị (1840-1847) tên là Hoa nên đổi thành Thanh Hóa.

Thành Thanh Hoa ngày nay là lỵ sở của tỉnh Thanh Hóa giống như Thành Đông là lỵ sở của tỉnh Hải Dương. Năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đổi trại Ái Châu thành phủ Thanh Hoa. Như vậy, Thanh Hoa là địa danh đầu tiên sớm nhất của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 215 năm khởi dựng thành Thanh Hoa (1804-2019) và 990 năm (1029-2019) xuất hiện địa danh Thanh Hóa.

Nhìn người lại ngẫm đến ta, rất nhiều người dân tỉnh ta chưa biết địa danh Hải Dương có từ bao giờ? Trong cuốn Lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994, trang 15 có ghi: “Dưới triều Lê Thánh Tông tức năm Quang Thuận thứ 10 (1469) Hải Dương thừa tuyên ra đời” (thừa tuyên tương tự một xứ, một trấn, một tỉnh).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện tên gọi Hải Dương. Hải là biển, là miền duyên hải. Dương là mặt trời, là ánh dương. Thừa tuyên Hải Dương là tỉnh “ánh dương từ miền duyên hải chiếu về”.

Thời điểm này thừa tuyên Hải Dương bao gồm cả Hải Phòng ngày nay, kéo dài từ giáp kinh đô Thăng Long đến tận miền duyên hải. Diện tích Hải Dương lúc đó gấp 2-3 lần Hải Dương hiện nay.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần viết về tên gọi Hải Dương thừa tuyên (trang 355) cũng có ghi điều này.

Có thể khẳng định tên gọi Hải Dương bắt đầu có từ năm 1469. Đến nay lịch sử địa danh Hải Dương đã được 550 năm (2019 - 1469), là năm chẵn.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) có cuộc cải cách hành chính. Tên gọi trấn Hải Dương được đổi thành tỉnh Hải Dương. Tên tỉnh Hải Dương có từ năm 1831, song điều này không quan trọng.

Thừa tuyên Hải Dương đổi thành xứ Hải Dương, trấn Hải Dương, rồi tỉnh Hải Dương là chuyện bình thường qua các cuộc cải cách hành chính. Nhiều tỉnh thường tổ chức các lễ kỷ niệm cách mạng ở địa phương kết hợp với lễ kỷ niệm ngày xuất hiện địa danh của địa phương đó (như tỉnh Thanh Hóa đã làm).

Tên gọi địa danh các địa phương xuất hiện càng lâu càng quý. Ví như tỉnh Hà Nội xuất hiện năm 1831 (cùng năm với tỉnh Hải Dương) dưới thời chúa Nguyễn. Dưới thời nhà Hồ gọi là Đông Đô.

Dưới thời thuộc Minh gọi là Đông Quan. Dưới thời nhà Lê (1457 - 1787) gọi là Đông Kinh. Dưới thời Quang Trung (1787 - 1802) gọi là Bắc Thành. Nhưng ta chọn năm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 để đến năm 2010 kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Vì những lý do đã nêu, trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn này của TP Hải Dương nên bổ sung: Kỷ niệm 550 năm ngày xuất hiện tên gọi Hải Dương.

Mảnh đất Hải Dương này có từ thời lập nước xa xưa. Thời Hùng Vương thứ 6 vùng đất này thuộc bộ Dương Tuyền, một bộ giàu có trong tổng số 15 bộ của nước Văn Lang. Thủ phủ của bộ Dương Tuyền đặt tại Thành Dền, thuộc thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ ngày nay, cách TP Hải Dương chừng 6 km về phía nam (theo Lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994, trang 14). Ngày nay sau khi trở thành đô thị loại I thì TP Hải Dương là thủ phủ của tỉnh Hải Dương trùng lên Thành Dền thủ phủ của bộ Dương Tuyền xưa. Âu cũng là một sự ngẫu nhiên của địa chính trị lịch sử của Hải Dương mà chúng ta cần nghiên cứu.

LƯU ĐỨC Ý (TP Hải Dương)