Xây dựng Chính phủ điện tử. Bài cuối: Còn nhiều việc phải làm

Xã hội - Ngày đăng : 15:13, 09/10/2019

Thời gian qua còn không ít nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử chậm được triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu.


Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sử dụng chữ ký số phê duyệt văn bản theo đề án Chính phủ điện tử

Việc triển khai Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả nổi bật, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, có thể thấy thời gian qua còn không ít nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử chậm được triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo báo cáo, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Hải Phòng ban hành quy chế từ năm 2016 nhưng cũng chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới tại Quyết định số 28/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ từ ngày trục liên thông văn bản quốc gia vận hành đến ngày 20.8.2019 của một số địa phương chưa cao, như Vĩnh Phúc 17,9%, Hải Dương 35,5%. Thể thức ký số của nhiều địa phương chưa tuân thủ quy định. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử, làm phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống, sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành.

Một số địa phương chưa hoàn thành việc thành lập, kiện toàn tổ chức bộ phận một cửa, chưa xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, duy nhất hoặc đã tiến hành xây dựng, nâng cấp nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định, như chưa gắn kết, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; chưa có chức năng đánh giá các chỉ số; chưa tuân thủ quy định về việc đánh mã hồ sơ. Cổng dịch vụ công trực tuyến chưa công bố thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; chưa công khai thông tin đối với hồ sơ đã có kết quả; chưa kết nối thủ tục hành chính giải quyết tại cổng dịch vụ công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Theo báo cáo, đến cuối tháng 8.2019, Hải Dương đã cung cấp 1.706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 118 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tuy nhiên, qua đánh giá các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh không đáp ứng yêu cầu triển khai, như thành phần hồ sơ yêu cầu bản sao có chứng thực, trình tự thực hiện có bước kiểm tra thực tế… Tại Bắc Ninh, số hồ sơ trực tuyến phát sinh rất thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tỉnh vẫn chưa xây dựng được cổng dịch vụ công trực tuyến do nhiều năm qua, phần mềm quản lý bộ phận Một cửa của Bắc Giang do 3 đơn vị khác nhau cung cấp, nhiều nội dung “vênh” không khai thác được. Để khắc phục vấn đề này, cuối năm 2015 tỉnh đã tiến hành chuẩn hóa thành một phần mềm thống nhất. Theo kế hoạch, Cổng dịch vụ công sau khi hoàn thiện sẽ triển khai từ đầu năm 2019, nhưng theo hướng dẫn, phần mềm ứng dụng cần phải có sự thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông và tỉnh cũng mới có được ý kiến của Bộ cho phép sử dụng phần mềm này. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, nên có quy định chuẩn hóa về phần mềm quản lý hoạt động của bộ phận một cửa để tránh việc mỗi đơn vị phải tự làm rồi lại đi xin thẩm định.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng, cần khắc phục tình trạng các địa phương cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng nghìn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, doanh nghiệp. Kinh nghiệm là phải lấy người dùng làm trung tâm, tức dịch vụ công trước khi đưa lên hệ thống trực tuyến cần phải đưa ra lấy ý kiến người dân, tán thành thì mới triển khai. “Nếu chủ quan, duy ý chí, cho rằng làm như vậy tốt rồi, cứ bung ra thì thực tế là dù có thủ tục thật nhưng người dân vẫn không dùng”, ông Phan nói.

Trong một buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, nhiều ý kiến đã phản ánh “Bộ không dám làm vì sợ sai”. Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang cho biết, “hiện có nhiều văn bản Chính phủ và Thủ tướng đề nghị xây dựng Chính phủ điện tử đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng không có hướng dẫn, nếu làm là làm liều, rất sợ. Nếu có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện sẽ đỡ phức tạp hơn”. Ông Quang chỉ ra rằng, đưa ra một phần mềm, có đơn vị chào mấy trăm triệu đồng, có nơi chỉ mấy chục triệu đồng, nhưng lại không biết có đảm bảo an toàn, an ninh hay không, việc nâng cấp về sau như thế nào. Nếu thuê dịch vụ đắt tiền có thể bảo đảm an toàn nhưng lại khó xử lý trong vấn đề kinh phí.

Những vướng mắc về hành lang pháp lý cho việc đầu tư thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã được tháo gỡ khi vào đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thay thế các văn bản hiện hành. Song phải đến ngày 1.1.2020 Nghị định mới có hiệu lực thi hành và như vậy, các bộ vẫn sẽ còn không ít vướng mắc trong vấn đề này.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương mới đây đã nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử, bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này.

Đồng thời, rà soát quy trình, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo các danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2017-2019, ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu và nâng cấp chất lượng dịch vụ đang cung cấp theo hướng thân thiện với người dùng. Chủ động nghiên cứu giải pháp, số hóa giấy tờ và thực hiện chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Khi những đòi hỏi về việc đưa vào vận hành một Cổng dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2019 thì những công việc còn lại phải giải quyết là khá bộn bề.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, “các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong xây dựng Chính phủ điện tử”.


Theo TTXVN