7 sai lầm khiến nhiều người thấy nuôi con quá mệt mỏi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:25, 12/10/2019

Nhiều gia đình nhận "đầu tư" từ cha mẹ già như hỗ trợ mua nhà, trông con hộ, và phải chịu sự can thiệp sâu từ các "cổ đông" này.

Dưới đây là 7 nguyên nhân chủ yếu gây ra sự khó khăn khi nuôi dạy con cái dù mỗi gia đình hiện tại ít con hơn nhiều so với trước đây:

1. Kỳ vọng quá nhiều vào con

Trong đại đa số gia đình, đứa bé luôn là trung tâm. Cuộc sống của cha mẹ luôn bận rộn xoay quanh các kế hoạch cho con, bao gồm học mẫu giáo ở đâu, tiểu học ở đâu, học đại học, kết hôn, mua nhà, sinh con đẻ cái... Quá trình đó chứa đựng rất nhiều sự so sánh, chăm sóc, lựa chọn, nỗ lực, hy vọng, thất vọng, tiếc nuối..., cho đến khi đứa trẻ trưởng thành, cha mẹ về già và lại trông đợi sự hiếu thuận, báo đáp của con cái.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters

Làm thế nào để bạn không mỏi mệt sau bao nhiêu năm lao tâm như thế?

Cốt lõi của sự mệt mỏi là do cha mẹ đã đặt vào con cái sự kỳ vọng quá cao, bao gồm cả kỳ vọng về sự phát triển của chính đứa trẻ, cũng như kỳ vọng "báo hiếu" của con cái dành cho mình. Thực tế, sự kỳ vọng quá cao không chỉ gây áp lực cho cha mẹ, mà bản thân con cái cũng mỏi mệt.

Nhưng tại sao cha mẹ lại mong đợi nhiều ở con cái đến vậy? Chẳng phải chỉ cần người con độc lập, trưởng thành và hạnh phúc, như vậy không tốt sao?

Nếu cha mẹ có thể nhìn vào bản chất vấn đề này và từ bỏ mọi kỳ vọng về danh tiếng, địa vị, tài sản của trẻ trong tương lai, thay vì thế, quan tâm nhiều tới sự an yên, hài lòng trong tâm hồn con, và chính mình, nhiệm vụ làm cha mẹ sẽ tự khắc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Để người ngoài can thiệp quá sâu vào đời sống của con mình

Một hình ảnh điển hình thường thấy nơi các cặp vợ chồng phương Tây là họ tự chăm đứa trẻ khi ra ngoài, hiếm khi hình thành một nhóm đông đúc. Tuy nhiên ở trong các gia đình châu Á, một nhóm người (bố mẹ, ông bà, giúp việc...) thường bận rộn quanh một đứa bé: bố mẹ chăm sóc, ông bà đứng bên hỗ trợ, người giúp việc mang theo túi đồ, thật giống "hoàng đế đi vi hành".

Trên thực tế, một gia đình nhỏ giống như một công ty, bố mẹ là cổ đông chính sở hữu toàn bộ cổ phần, có quyền lãnh đạo cao nhất, có thể quyết định mọi vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, nhiều gia đình chấp nhận những "khoản đầu tư" khác nhau từ cha mẹ già, ví dụ một khoản tiền mua nhà đến trông con hộ...

Do đó, ông bà nội ngoại hai bên vô hình sở hữu ít nhiều cổ phần trong gia đình, trở thành "cổ đông" của gia đình nhỏ. Và đương nhiên, là cổ đông, họ có quyền bày tỏ ý kiến và tham gia vào việc đưa ra các quyết định, một số người còn đòi "quyền phủ quyết" khi không ưng thuận vấn đề nào đó.

Kiểu cấu trúc này làm cho vấn đề của gia đình nhỏ từ đơn giản trở nên phức tạp, khiến chủ gia đình trở nên mệt mỏi khi vai trò chính bị phủ quyết.

3. Tư duy so sánh quá nặng nề

- Con nhà người ta đều đang học các lớp học thêm, phụ đạo, nếu không cho con mình đi học, con có thụt lùi với các bạn hay không?

- Con nhà người ta đang ăn nhiều loại sữa bột khác nhau, nếu không cho con mình ăn sữa bột, đứa bé có bị phát triển chậm hơn các bạn hay không?

- Con nhà người ta mặc những nhãn hiệu nổi tiếng, chúng ta không mua cho con mình, như vậy con mình có thua kém hay không?

"Con nhà người ta" là cụm từ mà không ít bậc cha mẹ sử dụng làm quy chuẩn để nuôi dạy con cái mình. Thậm chí họ luôn vào nhìn vào những người khác và cố gắng để theo kịp họ, nhằm tránh bị tụt lại phía sau. Như thế, sao có thể tránh được mệt mỏi? Dường như bạn quên đi mất rằng "người khác" là người khác, còn bạn là bạn, mỗi bậc cha mẹ có một lựa chọn, một nguyên tắc riêng và cách làm việc riêng, tại sao phải dõi theo bất cứ ai?

4. Kiêm nhiệm quá nhiều việc của con

Cha mẹ nào cũng mong điều tốt nhất cho con cái mình, tuy nhiên đôi khi điều này dẫn đến sai lầm là bố mẹ can thiệp quá vào công việc của con cũng như sự phát triển của con, khiến đứa bé không có năng lực tự chủ.

Đứa bé đi học, mẹ giúp đỡ chuẩn bị balo, sách vở. Đứa bé làm bài tập về nhà, cha mẹ kè kè bên cạnh chỉ bảo, cho con cách giải kể cả khi con chưa nghĩ ra... Nhiều phụ huynh thậm chí sa đà vào việc này đến mức cả ngày chỉ quay quanh miếng ăn, giấc ngủ... của đứa bé, dù trẻ đã qua tuổi nhũ nhi. Trẻ được chăm sóc kiểu này không chỉ không thể phát triển khả năng sống độc lập, mà về lâu dài, còn phụ thuộc vào bố mẹ cả đời.

Đừng quên rằng chỉ bằng cách nuôi dưỡng sự tự chủ của trẻ, bao gồm tự sống, tự học, tự tư duy và gây dựng cảm xúc độc lập, trẻ mới trưởng thành, còn cha mẹ mới có thể thả lỏng. Điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng bạn là một phụ huynh lười biếng mà bạn trao cho con cơ hội phát triển như một cá thể độc lập mà thôi.

5. Thiếu chính kiến, quá tải thông tin

Xã hội hiện đại mang đến rất nhiều luồng thông tin, kiến thức trong việc nuôi dạy trẻ. Có một thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ "quá tải" thông tin, nhưng lại thiếu chính kiến để chọn đâu là thứ tốt nhất, phù hợp nhất với con mình.

Ví dụ, thấy quảng cáo về giáo dục sớm, nhiều cha mẹ vội đưa con đến các lớp giáo dục sớm. Thấy khuyến khích cho trẻ sơ sinh học bơi, cha mẹ cũng đưa con đến lớp bơi... Những bậc cha mẹ này thường thích thú thu thập thông tin và rồi chạy theo thông tin đó thay vì có sự chọn lọc, sau đó kết quả không như ý sẽ rơi vào tâm trạng mệt mỏi, mất phương hướng.

Mỗi cha mẹ cần có sự sàng lọc thông tin nhất định, thông qua việc tự đọc, tự tìm tòi và học hỏi. Cha mẹ chỉ cần tìm phương cách giản đơn, phù hợp với quá trình chăm sóc con mình, thay vì chạy theo bất cứ nghiên cứu mới nào.

6. Để người bố tách rời quy trình nuôi dạy con

Nhiều gia đình tư tưởng truyền thống có quan điểm rằng nuôi con là việc của mẹ, bố không liên quan mà đảm nhận những công việc khác, ví dụ như kiếm tiền. Đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến nhiều bà mẹ cảm thấy vô cùng mỏi mệt, áp lực khi nuôi dạy con.

Trên thực tế, sự kết hợp của cha mẹ dẫn đến sự ra đời của đứa trẻ, vì thế, cha mẹ phải cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé, bao gồm thảo luận mọi vấn đề liên quan đến bé, sau đó đi đến sự đồng thuận, và hành động cùng nhau. Ưu điểm của điều này là khối lượng công việc sẽ được giảm bớt, và hơn thế nữa, cha mẹ sẽ thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ hơn.

7. Chi tiêu cho việc nuôi dạy con bất hợp lý, gây ra áp lực kinh tế

Rất nhiều cha mẹ tin rằng mình cần cố gắng hết sức để con cái có cuộc sống tốt nhất, dẫn đến cảnh nai lưng ra làm việc nhưng tiền kiếm được không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến áp lực kinh tế lớn. Đơn cử như việc một người cha lương công nhân ba cọc, ba đồng nhưng lại mua cho con gái nhỏ chiếc váy tới 700.000 để diện đến trường.

Dù đứa bé mặc chiếc váy rất đẹp, nhưng gánh nặng đè lên vai người cha, người mẹ vì số tiền hao hụt không hề nhỏ, sẽ khiến gia đình không tránh khỏi áp lực.

Theo VnExpress