Phong cách dân vận Hồ Chí Minh có giá trị khoa học và lan tỏa sâu rộng
Tin tức - Ngày đăng : 21:00, 14/10/2019
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu
Đó là phong cách của một vĩ nhân, lãnh tụ vĩ đại, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, có giá trị khoa học và lan tỏa sâu rộng.
Phong cách dân vận Hồ Chí Minh là một hệ thống chỉnh thể, gắn bó, phát triển từ tư duy đến sự biểu đạt bằng ngôn ngữ nói, viết và hành động cụ thể để vận động nhân dân (hay nói cách khác là dân vận) thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách đây 70 năm, Bác viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật ngày 15.10.1949. “Dân vận” là một tác phẩm ngắn gọn nhưng súc tích, cô đọng, chứa đựng những tư tưởng vĩ đại của Bác về công tác dân vận; về bản chất của Nhà nước ta; về nội dung của công tác vận động quần chúng; về những người có trách nhiệm làm công tác dân vận và về những phẩm chất phải có ở những người “phụ trách” dân vận. Tác phẩm không chỉ là “cẩm nang” của những người làm công tác vận động quần chúng mà còn là mẫu mực về cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, vừa khái quát cao lại vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo.
Không chỉ lý luận, cuộc đời hoạt động cách mạng trên một không gian rộng lớn, với nhiều cương vị khác nhau, Bác còn thực hành hiệu quả những quan điểm, tư tưởng về dân vận, hình thành nên phong cách dân vận rất riêng, đặc sắc của Người.
Trọng dân, gần dân, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân
Trước hết, phong cách dân vận của Bác được thể hiện ở tinh thần trọng dân, gần dân, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Phong cách này, bắt nguồn từ sự thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đồng thời, kế thừa tư tưởng “trọng dân” của dân tộc ta một cách thành tâm, thật lòng. Từ đó, Bác thường xuyên liên hệ chặt chẽ với mọi tầng lớp trong xã hội, kiên trì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có biện pháp giải thích để họ hiểu rõ, đồng thuận với đường lối của Đảng, tạo nguồn sức mạnh để chiến thắng “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Với Bác, “nước lấy dân làm gốc”; “nước ta là nước dân chủ”; “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, và rằng: “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (1). Chính vì thế, “Việc dân vận rất quan trọng”. Dân vận là nhằm “… vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho” (2).
Tính khoa học, thiết thực
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong thực hành công tác dân vận, Bác luôn “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (3).
Trong đó, óc nghĩ là sự suy nghĩ, tìm tòi, hiểu biết về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao khả năng tuyên truyền, thuyết phục nhân dân; nắm bắt được tâm tư, tình cảm của quần chúng để có giải pháp đúng đắn; kịp thời phát huy tính tích cực, ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh…
Mắt trông là thấy rõ yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách và thực tiễn cách mạng để thực hành cho đúng, cho trúng. Thực hiện tốt điều này sẽ tránh được bệnh quan liêu, chỉ ngồi nghe báo cáo rồi nhận định, phán xét.
Tai nghe là lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xử lý những thông tin từ quần chúng. Nghe dân nói, hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật là phương pháp mang tính khoa học trong phong cách Hồ Chí Minh.
Chân đi, dù bận nhưng Bác luôn dành thời gian đến với cơ sở, với dân. Bác đi sâu vào tìm hiểu thực tiễn, thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn của nhân dân, ở cơ sở và luôn dùng những lời nhẹ nhàng, cụ thể, sâu sắc để vận động nhân dân, khuyến khích cơ sở vượt khó vươn lên, nên thường đạt kết quả rất cao, để lại ấn tượng sâu sắc.
Miệng nói là chức năng cơ bản của dân vận, nhằm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo, Bác luôn nói đúng, trúng vấn đề, với phong cách giản dị và thái độ đúng mực. Với người già, các bậc lão thành thì lời lẽ cung kính; với đồng chí, đồng bào thì thật thà, khiêm tốn; với phụ nữ thì đúng mực nghiêm trang; với nhi đồng là thương yêu quý mến, nhắc nhở, động viên…
Tay làm là nói được, phải làm được, thậm chí cần thiết thì làm mẫu để dân tin...
Khi làm xong công việc, Bác đều tổng kết, rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác. Đây chính là thái độ khoa học, lý luận luôn gắn với thực tiễn, là “chìa khóa” để thực hiện tốt nhiệm vụ và rèn luyện chính mình.
Trong thực hành dân vận, cách làm nào không phù hợp thì Bác kiên quyết sửa cho đúng, sát thực tư tưởng, trình độ, tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng dân vận. Khi hoàn thành công việc thì cùng với dân kiểm thảo lại, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng… Như vậy, nắm vững nội dung, mục đích công việc, giải thích cho dân hiểu, bàn bạc với dân, tổ chức toàn dân thực hiện, kiểm tra, kiểm điểm rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng là phong cách dân vận Hồ Chí Minh và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng ta. Làm được như vậy, sẽ tránh được bệnh “hữu danh vô thực”; chỉ thị, nghị quyết không gắn với thực tế; làm việc thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể; không kiểm tra, kiểm soát, tổng kết đúc rút kinh nghiệm; làm được ít suýt ra nhiều; ngồi “bàn giấy”, nghe báo cáo rồi “vẽ vời” để sản xuất ra bản báo cáo rất kêu, nhưng lại rỗng tuếch.
Thống nhất biện chứng giữa nói và làm
Phong cách dân vận Hồ Chí Minh còn là sự thống nhất biện chứng giữa nói và làm. Với Bác, “miệng nói, tay làm”, “thật thà nhúng tay vào việc”, nói ít, làm nhiều, làm đến đâu hiệu quả đến đó là phương pháp vận động quần chúng tốt nhất. Trên thực tế, trong bất cứ lúc nào, ở cương vị nào, công việc nào, Bác đều làm việc một cách hăng say, thật sự, cùng lao động, cùng chiến đấu với nhân dân để thực hiện mục đích dân vận.
Tự mình nêu gương là điểm đặc sắc trong phong cách dân vận Hồ Chí Minh. Sự “nêu gương” có sức lan tỏa, thuyết phục, hướng dẫn rất lớn và lâu dài. Để nhân dân tin tưởng, noi theo, Bác luôn làm chủ mọi hành vi của bản thân, không ham muốn công danh phú quý, danh lợi, thường xuyên gìn giữ sự giản dị, lành mạnh trong cuộc sống, công việc, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Hình ảnh Bác chịu mọi khổ ải, nhất là lúc hoạt động bí mật, thời gian ở trong tù nhưng vẫn đau đáu nghĩ về nỗi đau của nước, của dân, về cách mạng và tương lai tươi sáng của dân tộc… là một tấm gương truyền cảm hứng mạnh mẽ vào niềm tin tất thắng cho nhân dân. Trong kháng chiến, thường xuyên “cháo bẹ rau măng”, làm việc ở “bàn đá chông chênh”… Khi đất nước giành được độc lập, Bác tự nguyện sống, làm việc trong ngôi nhà sàn, ăn mặc giản dị, thanh đạm… Người dành tiền lương, tiền nhuận bút do viết sách, viết báo… để tặng quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, các cụ già, ủng hộ bộ đội, dân quân tự vệ… Nếp sống này được Bác thực hiện một cách rất tự nhiên, nền nếp, nên đã làm lay động lòng người gần xa. Người thực sự là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
70 năm, đọc lại, cùng suy ngẫm về những điều Bác viết, Bác làm, Bác mong, trí ta thêm sáng, lòng ta thêm trong, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người. Hãy cùng nhau nhắc lại lời dạy ân cần của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 410.
2. Sđd, tr. 698.
3. Sđd, tr. 699.
Theo TTXVN