Lạm thu trong trường học: Trách nhiệm thuộc về ai?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:59, 19/10/2019

"Để xảy ra tình trạng lạm thu, trách nhiệm trước hết phải ở người đứng đầu ngành giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục đó”.

Tại nhà trường, việc thu phí đối với hoạt động dạy bơi ngoài giờ học cũng phải theo đúng quy định. Ảnh: Đức Long

Tại nhà trường, việc thu phí đối với hoạt động dạy bơi ngoài giờ học cũng phải theo đúng quy định. Ảnh: Đức Long

Câu chuyện “nóng”

Chị Nguyễn Thị Nhung (29 Liễu Giai, Hà Nội) cho biết: Cả 2 con của chị học nhiều năm ở các trường tư thục danh tiếng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chị không để ý các khoản tiền thu đầu năm học khoản nào “được phép”, khoản nào “lạm thu”. Các khoản thu được nhà trường thông báo tới phụ huynh và đóng theo hình thức chuyển khoản, hoặc nộp trực tiếp tại trường. Riêng quỹ phụ huynh lớp mỗi năm nộp 2 lần, thường ít nhất 1 triệu đồng/học kỳ, chưa kể các khoản thu thêm khi lớp tổ chức sự kiện, dã ngoại, liên hoan...

“Năm ngoái, riêng với con học lớp 9 tôi đóng tổng cộng gần 4 triệu các khoản do Ban phụ huynh lớp thu. Năm nay, 2 con học THPT ở 2 trường khác nhau, quỹ phụ huynh nộp cho học kỳ 1 cũng đóng vài triệu đồng. Tất cả các khoản đóng góp này do Ban phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) lớp đưa ra số tiền, đứng ra thu và chi, chẳng phụ huynh nào trong lớp dám phản đối.

Cuối mỗi năm học, cũng tại buổi họp phụ huynh, các cha mẹ được nhận bản kê dài cả trang giấy A4 các khoản chi, trong đó phần lớn là chi thăm hỏi, phong bì, tặng quà lễ, Tết các thầy cô và nhà trường, phần nhỏ để trao thưởng học sinh khá, giỏi và chi cho hoạt động ngoại khóa của lớp”, chị Nhung kể.

Chị Nhung cũng chia sẻ, mặc dù trường tư đóng tiền học nhiều nhưng không phải phụ huynh nào cũng đồng tình thu tiền quỹ phụ huynh lớp kiểu “áp đặt” như vậy. Có điều, chuyện đóng tiền quỹ ở trường “toàn con nhà giàu”, nhiều cha mẹ cũng cố không phản ứng để tránh “mang tiếng”.

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT), phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội; chưa hiểu biết đầy đủ các quy định về quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, nên chưa đồng thuận và cách triển khai chưa phù hợp, chưa giải quyết thấu đáo cho các phụ huynh khác.

 Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục vẫn rất khó khăn, cần sự quan tâm ủng hộ của cả xã hội. Ảnh minh họa/ INT

Nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm thu

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng nhận định rằng: Hiện nay, vẫn còn một số nơi, một số cơ sở giáo dục còn làm trái, làm chưa đúng các quy định về thu - chi đầu năm học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu. Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành quy định về khung mức thu, chi ngoài ngân sách của các địa phương còn chậm, hoặc chưa ban hành theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; việc chi cho hoạt động của cơ sở giáo dục của nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định các địa phương phải cấp bù ngân sách cho các cơ sở giáo dục, bảo đảm chi lương và chi chuyên môn theo tỷ lệ lần lượt là 82% và 18%.

Một số người đứng đầu cơ sở giáo dục, cá nhân liên quan đang cố tình vi phạm và làm trái các văn bản quy định của ngành, địa phương, thực hiện nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước”, áp đặt, cào bằng mức đóng góp, gây ra những phản ứng trong dư luận...

Thực tế trong công tác quản lý, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý theo phân cấp còn chưa được quan tâm, chưa sát sao trong việc xử lý các vụ việc xảy ra, việc quán triệt, tuyên truyền phổ biến chưa kịp thời, các cuộc kiểm tra thu - chi, dạy thêm, học thêm mới tập trung vào đầu năm học, nắm được lộ trình này một số cơ sở giáo dục, một số giáo viên chờ thời điểm đầu năm học qua đi mới thực hiện lạm thu hay tổ chức dạy thêm học thêm”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính nêu.

Làm rõ trách nhiệm

Để xảy ra tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục, một số địa phương, theo ông Trần Tú Khánh, trách nhiệm trước hết phải do người đứng đầu ngành giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục đó chưa quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, chưa chỉ đạo và theo dõi giám sát các quy định về thu chi đầu năm học được thực hiện ra sao.

“Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân thì tùy theo mức độ sai phạm người đứng đầu ngành giáo dục địa phương đó phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng để làm gương. Trách nhiệm sau đó phải kể đến tập thể đơn vị và cá nhân để xảy ra sai phạm về lạm thu”, ông Trần Tú Khánh nhấn mạnh.

Ngoài các nguyên nhân trên, một vấn đề khác cũng cần được xem xét, đó là sự quan tâm, ưu tiên và khả năng bố trí ngân sách cho GDĐT ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chưa thực hiện 20% tổng chi. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí tỷ lệ chi lương (82%) và chi chuyên môn (18%) theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay, có nhiều địa phương, cơ sở giáo dục vẫn rất khó khăn, cần sự quan tâm ủng hộ của cả xã hội và mọi người dân. Nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ cho giáo dục thì mới giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Trần Tú Khánh khẳng định.

Theo Giáo dục và Thời đại