Sáng kiến hữu ích của thầy hiệu trưởng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:40, 21/10/2019

Sáng kiến của thầy Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II (Nam Sách) có khả năng áp dụng, nhân rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh.

Học sinh Trường THPT Nam Sách II tham quan, trải nghiệm tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Sáng kiến "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THPT thông qua việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và các công ty, doanh nghiệp" của thầy giáo Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II (Nam Sách) được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2019.

Chia sẻ về ý tưởng, thầy Khoa cho biết những năm gần đây tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT học sai ngành, làm sai nghề chiếm khoảng 60%.

Nguyên nhân là trong trường THPT, các em mới tìm hiểu về ngành nghề thông qua một số tiết lý thuyết môn công nghệ, sinh học, địa lý, giáo dục công dân. Hầu hết các em chưa tìm hiểu nghề nghiệp tương lai qua tiếp cận thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp - cách định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất cho học sinh hiện nay. Thầy Khoa đã chọn đề tài này để nghiên cứu và áp dụng thực tế tại trường mình.

Sáng kiến của thầy Khoa có khả năng áp dụng, nhân rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh. 

Sáng kiến đã đưa ra 6 giải pháp hữu ích: tăng cường bồi dưỡng kiến thức về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; tìm hiểu nguyện vọng, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất cho các em; tìm hiểu các đơn vị phối hợp; xây dựng cơ chế phối hợp, gắn kết giữa nhà trường với các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp; tạo lập uy tín, niềm tin thông qua việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thầy giáo Khoa chia sẻ thời gian đầu thực hiện rất vất vả vì phải mày mò làm các khâu, từ việc thiết kế các mẫu phiếu khảo sát, thăm dò học sinh khác nhau ở từng khối, từng đợt khảo sát; thu thập, sàng lọc tinh gọn thông tin cung cấp cho học sinh; nhập kết quả khảo sát học sinh toàn trường ít nhất 2 đợt/năm; xử lý, lọc dữ liệu; lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị và đặc biệt là tạo dựng quan hệ với các trường đại học, doanh nghiệp... Giờ đây, các công đoạn như “cỗ máy” hoạt động rất trơn tru và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Điểm nổi bật trong sáng kiến của thầy Khoa là sau khi có kết quả khảo sát lần thứ nhất vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với các đơn vị tổ chức tiếp xúc, tư vấn cho học sinh theo từng khuynh hướng. Chẳng hạn, đối với các em có ý định học đại học, cao đẳng, nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu, phối hợp với một số đại học, cao đẳng hoặc mời diễn giả chia sẻ, tư vấn và tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại trường mà các em muốn chọn.

Các em có nguyện vọng du học hoặc lao động nước ngoài, nhà trường phối hợp với một số đơn vị như Trung tâm Tư vấn du học Việt Trí MD, Trung tâm Hàn ngữ New World Hải Dương, Công ty CP Giáo dục quốc tế Cambridge, Tổ chức giáo dục AVT Education… tổ chức dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh; tổ chức hội thảo, tư vấn chuyên sâu cho học sinh và phụ huynh; đón học sinh tới tham quan, trải nghiệm…

Đối với các em có nguyện vọng đi làm tại các doanh nghiệp, nhà trường phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Công ty TNHH May Tinh Lợi... tổ chức tư vấn, phát tờ rơi và đón các em tới tham quan, trải nghiệm…

Tháng 4 hằng năm, nhà trường tổ chức khảo sát lần 2 để “chốt” hướng đi của học sinh và tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn cho các em, thậm chí tư vấn chuyên sâu từng em.

Từ năm học 2016-2017 đến nay, Trường THPT Nam Sách II tổ chức khảo sát học sinh toàn trường 2 lần/năm; tổ chức cho khoảng 150 lượt học sinh tham quan, trải nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng; khoảng 100 học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các công ty và khoảng 70 học sinh tham quan, trải nghiệm tại các trung tâm du học.

Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp chọn đúng trường học, đúng ngành học, đúng nghề nên yên tâm học tập, rèn luyện và làm việc.

Với những lợi ích thiết thực, sáng kiến này có thể áp dụng ở nhiều trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường THCS trong tỉnh. 

THẾ ANH