Hiệu phó nhận 300 triệu đồng để nâng điểm thi
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 14:32, 23/10/2019
Trong cáo trạng được VKSND Tối cao ban hành ngày 23.10, Đỗ Mạnh Tuấn (Hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) là bị can duy nhất đối mặt với hai tội danh: Nhận hối lộ (điều 354 Bộ luật Hình sự 2015) và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015).
Người bị truy tố tội Đưa hối lộ (điều 364 Bộ luật Hình sự 2015) là Hồ Chúc - giáo viên tTrường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy.
13 bị can còn lại trong vụ án bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Khương Ngọc Chất (44 tuổi, Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình), Phùng Văn Thụ (53 tuổi, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, Trưởng Phòng Khảo thí, Phó Trưởng Ban Chấm thi), Diệp Thị Hồng Liên (45 tuổi, Phó Phòng Khảo thí), Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí), Nguyễn Thị Thu Loan (40 tuổi, giáo viên), Nguyễn Thị Hồng Chung (39 tuổi, giáo viên), Bùi Thanh Trà (39 tuổi, giáo viên), Đào Ngọc Thuật (39 tuổi, giáo viên), Nguyễn Đức Hoàng (40 tuổi, thanh tra viên Phòng Thanh tra), Nguyễn Tân Hưng (40 tuổi, cán bộ Phòng Khảo thí), Quách Thanh Phúc (50 tuổi, Hiệu phó Trường THPT 19/5), Lê Thị Hồng (50 tuổi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ).
Bị can Nguyễn Quang Vinh và Diệp Thị Hồng Liên. Ảnh: Công an cung cấp |
Cáo trạng xác định Đỗ Mạnh Tuấn được Nguyễn Quang Vinh lựa chọn làm ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm vào phút chót. Biết ông Mạnh Tuấn được chấm thi, tháng 6.2018, bị can Hồ Chúc nhờ nâng điểm thi cho hai thí sinh. Có kết quả như yêu cầu, Hồ Chúc cảm ơn hiệu phó Tuấn bằng 300 triệu đồng.
Theo cáo trạng, chủ mưu nâng điểm trong vụ án là Trưởng Phòng Khảo thí Nguyễn Quang Vinh. Trước kỳ thi, ông Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Mạnh Tuấn cùng 18 giám khảo chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn ngữ văn và 142 bài thi trắc nghiệm.
Ông Vinh cung cấp thông tin họ tên thí sinh, số báo danh, số điểm cần nâng và giao chìa khóa phòng chứa bài thi cho Tuấn. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm trên mạng Internet, vào tối các ngày từ 30.6 đến 3.7.2018, bị can Mạnh Tuấn cùng Khắc Tuấn đã bóc niêm phong cửa, mở khóa vào phòng chứa bài thi.
Họ dùng dao rọc giấy rạch theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi, lấy bài thi của thí sinh, đối chiếu với đáp án, tẩy đáp án sai, dùng bút chì tô lại đáp án đúng hoặc tẩy tất cả đáp án rồi tô lại đáp án đúng (theo số điểm cần nâng). Xong việc, hai bị can cất lại bài thi vào túi đựng bài thi, dập ghim hoặc phết hồ dán niêm phong túi bài thi.
Với việc nâng điểm các bài thi tự luận môn ngữ văn, ông Vinh vẫn chỉ đạo, giao Mạnh Tuấn thực hiện việc sinh mã phách trái quy định.
Ngày 28.6.2018, Mạnh Tuấn sử dụng máy tính của tổ chấm thi trắc nghiệm thực hiện việc sinh mã phách từ phần mềm quản lý thi. Sau đó, bị can này bàn giao các biểu dồn túi và biểu mã phách cho Ban làm phách để làm phách bài thi tự luận theo quy định.
Trong quá trình sinh mã phách, Đỗ Mạnh Tuấn đã tập hợp danh sách, thông tin các thí sinh cần nâng điểm thi môn ngữ văn để chuyển cho Vinh. Danh sách cùng thông tin thí sinh này được chuyển tiếp tới Diệp Thị Hồng Liên (PhóTrưởng Phòng Khảo thí, phụ trách tổ chấm bài thi tự luận môn ngữ văn).
Do đã bàn trước, khi nhận được danh sách, bà Liên đối chiếu thông tin mã phách, mã túi đựng bài thi, theo tiến độ chấm thi của từng tổ chấm thi tự luận môn ngữ văn, sau đó chuyển các thông tin thí sinh gồm mã phách, mã túi đựng bài thi, điểm yêu cầu cho tổ trưởng các tổ chấm thi.
Tổng cộng 142 bài thi trắc nghiệm của 57 thí sinh đã được nhóm bị can Vinh, Tuấn can thiệp, nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn. 20 bài thi tự luận môn ngữ văn của 20 thí sinh cũng được nâng 1,25-4,5 điểm mỗi bài.
Theo VnExpress