Cần quan tâm chất lượng đại biểu Quốc hội hơn là số lượng
Chính trị - Ngày đăng : 16:39, 29/10/2019
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương điều hành phiên thảo luận tổ ngày 29.10. Ảnh: Hoài Sơn
Sáng 29.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH) và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận định việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH là rất cần thiết, nhưng có một số vấn đề cần phải nhìn nhận, xem xét. Theo đại biểu, hiện nay vẫn còn quan điểm sắp xếp bộ máy một cách cơ học, chỉ chú trọng tinh giản, giảm bớt số lượng biên chế chứ chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Khi sửa đổi Luật Tổ chức QH, cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm này, để quyền lực của QH, vai trò, vị thế, quyền lực của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH, cơ quan của QH phải được nâng lên, chứ không chỉ tinh giản một cách máy móc.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, có 2 vấn đề đặt ra như sau: Thứ nhất, phải rà soát lại cơ cấu tổ chức QH, phát hiện ra những điểm cồng kềnh, chồng chéo chức năng, để biết được cần phải giảm ở đâu. Thứ hai, phải rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các cơ quan của QH, đặc biệt là giao thêm quyền lực cho Ủy ban Thường vụ QH để giải quyết các nhiệm vụ thường xuyên đặt ra trong hoạt động, giảm bớt thời gian họp QH, để QH thực sự là cơ quan quyền lực tối cao, quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Về đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu Thăng cho rằng vấn đề chất lượng đại biểu nên được quan tâm hơn là số lượng. Đại biểu chuyên trách cần được rèn luyện qua thực tiễn, thời gian phục vụ của đại biểu chuyên trách có thể được kéo dài hơn so với các đại biểu khác. Về đại biểu kiêm nhiệm địa phương cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa, để có thể mang ý kiến của cử tri tới diễn đàn QH. Cần đưa ra tiêu chí cụ thể hơn đối với ĐBQH do trong thời gian qua, tiêu chí đưa ra chưa sát, chưa cao, mà vẫn nặng về cơ cấu.
Về hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương, đại biểu Thăng đề nghị sửa đổi quy định về Đoàn ĐBQH địa phương và Văn phòng giúp việc của Đoàn ĐBQH tại địa phương. Hiện nay, vị thế của Đoàn ĐBQH tại địa phương còn chưa xứng tầm, chưa có quy chế, quy định về luật pháp để xác định vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH với các cơ quan quyền lực khác tại địa phương.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đồng tình với quy định số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất là 35%, đồng thời cho rằng không nên chỉ chú trọng đến số lượng, mà chất lượng của đại biểu chuyên trách mới quan trọng. Đại biểu Kim kiến nghị, các ĐBQH chuyên trách nên được phát triển từ các cán bộ nguồn từ địa phương. Đại biểu Kim không tán thành việc sáp nhập 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và đề nghị chỉ nhập văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND để tách bạch chức năng giám sát và tổ chức thực hiện.
Về thí điểm bỏ HĐND các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, cần phải sửa đổi vai trò, chức năng, nhiệm vụ của UBND tại các phường thí điểm bỏ HĐND, vì chắc chắn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này sẽ đổi khác. Đại biểu đề nghị phải có cơ chế giám sát thay cho HĐND phường và đề xuất MTTQ có thể trở thành cơ quan đóng vai trò giám sát này.
PV