Học sinh dễ bị stress

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:30, 30/10/2019

Lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mà đã chịu nhiều áp lực rất dễ dẫn đến stress.


Nhà trường và gia đình nên khuyến khích con em mình tham gia các hoạt động giải trí ngoài giờ học

Tỷ lệ học sinh bị stress đang ngày một gia tăng. Các em đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm. Nhiều học sinh chịu áp lực từ gia đình, việc học ở trường, thậm chí ngay cả những buổi học thêm dày đặc nên bị căng thẳng, có những suy nghĩ tiêu cực và tâm lý bất cần.

Em Nguyễn Văn N., học lớp 12 chuyên tin Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi kể có một bạn trong lớp đã từng cầm dao vào một cửa hàng điện thoại cướp mà không biết mình đang làm gì. Bạn ấy vốn là học sinh giỏi. Những lúc bình thường bạn ấy hay tâm sự với N. về áp lực học tập từ phía gia đình khiến bạn ấy phải gồng mình học thật giỏi để bố mẹ vui lòng.

Còn em Phạm Thu H., học lớp 12 Trường THPT Hồng Quang thì phàn nàn với bạn bè vì luôn phải cố gắng hết mức trong học tập nhưng vẫn bị bố mẹ phàn nàn, mắng chửi… Ngoài học ở trường, bố mẹ em H. còn bắt đi học thêm rất nhiều. Bố mẹ lại hay so sánh với các bạn học khác khiến em H. cảm thấy mình vô dụng.

Bác sĩ Nguyễn Việt Hoà, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương cho biết đây là một vấn đề không mới trong xã hội hiện nay. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày và đôi khi họ cảm thấy cuộc sống vô nghĩa. Lúc phụ huynh thấy trẻ lặp lại các dấu hiệu như thường xuyên cáu giận, cảm thấy buồn mà không rõ lý do, thay đổi thói quen ngủ, thèm ăn, không hứng thú với công việc, có thái độ thù địch với người thân và xã hội, thích ở một mình... thì bố mẹ cần dành nhiều thời gian để động viên, khen ngợi các con, giúp chúng thấy tự tin vào bản thân.

Lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mà đã chịu nhiều áp lực rất dễ dẫn đến stress. Đặc biệt là áp lực về học tập, thi cử khiến các em lo lắng, bất ổn tinh thần cộng với gánh nặng từ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô càng làm các em dễ bị căng thẳng. Ngoài ra, những thói quen sống không lành mạnh như thức đêm, nghiện chơi điện tử, hút thuốc, uống rượu, lười vận động… cũng khiến sức khoẻ giảm sút, não bộ mệt mỏi kéo dài gây chán nản. Stress ở lứa tuổi học đường có thể đến với bất kỳ trẻ nào nếu thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ và lắng nghe từ cha mẹ, thầy cô.

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Hoà, để giúp học sinh tránh bị stress thì gia đình, nhà trường cần có sự quan tâm hỗ trợ các em nhiều hơn, không nên gây áp lực học hành quá lớn, tạo cho chúng tinh thần thoải mái, hứng thú học tập, xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn cũng như các loại chất kích thích, đồng thời luôn sẵn sàng chia sẻ với các em những vấn đề trong cuộc sống. Khi trẻ có những dấu hiệu stress, cha mẹ nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chữa trị kịp thời, tránh những tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần cho con em mình.

PHƯƠNG ANH