Hướng nghiệp, phân luồng học sinh: Những cách làm hiệu quả

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:31, 03/11/2019

Thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Hà tổ chức cho học sinh trải nghiệm một bữa ăn của công nhân tại Công ty TNHH May Tinh Lợi

Học THPT không phải là lựa chọn duy nhất

5 năm gần đây, Trường THCS Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã có cách làm hiệu quả trong phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Dựa vào kết quả học tập, làm bài khảo sát ở học kỳ I và kỳ II, trường tuyên truyền, tư vấn cho các bậc phụ huynh và học sinh có phương án lựa chọn hợp lý khi các em tốt nghiệp.

Những em học tốt, có nguyện vọng thì thi vào THPT, còn em nào khó có cơ hội thì nên học tiếp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) hoặc học nghề.

Nhà trường giúp phụ huynh hiểu rõ không chỉ học trường THPT thì mới có bằng tốt nghiệp mà học ở Trung tâm GDNN-GDTX vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT bình thường, thậm chí còn có thêm bằng hoặc chứng chỉ học nghề. Học xong ở đây, nếu các em có nhu cầu vẫn được học lên cao hơn hoặc có thể đi làm luôn.

Trường đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Cẩm Văn tổ chức cho phụ huynh, học sinh đi thực tế một số đơn vị dạy nghề trong huyện như Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại, Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương. Từ đó, phụ huynh, học sinh có căn cứ, tin tưởng cho con học nghề.

Nhờ vậy, số lượng học sinh của trường sau tốt nghiệp đi học nghề ngày một đông. Năm 2015, trường chỉ có vài em thì năm 2019 có 20 em, chiếm gần 25% số học sinh tốt nghiệp của trường. 

Thầy giáo Trần Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Văn chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp THCS, các em không đỗ vào trường THPT công lập phải ở nhà rất lãng phí.

Các em sẽ mất đi cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt hơn nếu không đi học nghề. Chúng tôi thấy hầu hết học sinh lựa chọn học nghề sau khi ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định".

Cùng với định hướng, phân luồng học sinh ở THCS, nhiều Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố, trường dạy nghề trong tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng, đưa ngành nghề phù hợp vào đào tạo. Điều này đã tạo niềm tin cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. 

Thời gian qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Hà đã làm tốt công tác dạy văn hóa và dạy nghề cho học sinh. Trung tâm chủ động liên kết với những cơ sở dạy nghề có uy tín, lựa chọn nghề có thế mạnh của từng đơn vị và thực tế đang cần để học sinh học xong có thể đi làm ngay.

Hiện trung tâm liên kết dạy các nghề cho học sinh gồm hàn, điện dân dụng, điện công nghiệp, may, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điện lạnh, điện - nước.

Nhiều năm nay, trung tâm có tới 65% số học sinh sau tốt nghiệp có việc làm tại các công ty, xí nghiệp; gần 10% số học sinh học tiếp cao đẳng, đại học.

"Trong thời gian học, trung tâm thường xuyên cho các em đi trải nghiệm thực tế tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại đây, học sinh biết công việc cụ thể, nỗi vất vả, những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết.

Sau những buổi thực tế này, các em có cách nhìn đúng đắn hơn về nghề nghiệp", thầy giáo Hoàng Văn Hai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Hà nói.     

Chủ động tìm cách đi du học

Để có định hướng nghề nghiệp tốt, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt, chủ động tìm ra cách làm phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh.

Nhiều năm nay, Trường THPT Hưng Đạo (Tứ Kỳ) trở thành điểm sáng về công tác tư vấn, tạo điều kiện cho học sinh đi du học theo hệ vừa học, vừa làm.

Trường tích cực phối hợp với nhiều trung tâm tư vấn du học có uy tín trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, định hướng cho những em có nhu cầu du học ngay từ năm lớp 11. Nhà trường nghiên cứu kỹ năng lực, uy tín của các trung tâm tư vấn để giới thiệu cho học sinh lựa chọn.

Trường tạo điều kiện để các trung tâm tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh có nhu cầu đi du học ngay tại trường, giúp phụ huynh, học sinh yên tâm hơn.

Sau khi đi du học, qua nhiều kênh thông tin, trường nắm bắt xem các trung tâm có thực hiện đúng cam kết không và các em sang đó sinh hoạt, học tập, công việc thế nào. Mỗi năm, trường có hơn 30 em đi du học, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Em Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 12G, Trường THPT Hưng Đạo cho biết: "Từ việc tuyên truyền, định hướng của nhà trường, em quyết định theo học lớp tiếng Hàn Quốc.

Sau này có vốn tiếng Hàn tốt, em có thể đi du học hoặc học đại học trong nước khoa tiếng Hàn với hy vọng dễ tìm được việc làm".

Giúp học sinh sớm có ý thức, định hướng nghề nghiệp, nhiều trường học của tỉnh đã thực hiện mô hình giáo dục gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học sinh có những hiểu biết nhất định về nghề nghiệp, kiến thức kinh doanh để lựa chọn đúng nghề nghiệp cho tương lai.

Thực hiện mô hình giáo dục gắn với hoạt động kinh doanh, nhiều năm nay, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) được trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh.

Cách làm này đã tạo được hứng thú cho các em. Trường đã mời một số doanh nhân thành đạt về nói chuyện với những nội dung như phẩm chất của người lãnh đạo, cách lựa chọn mặt hàng, lĩnh vực, địa điểm, bí quyết kinh doanh thành công...

Nhà trường tổ chức hội chợ với quy mô toàn trường hoặc theo khối, lớp để học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

DANH TRUNG