Không để xã khó ở lại phía sau
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:00, 05/11/2019
Xã Đông Xuyên cần khoảng 33 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng
Còn nhiều phần việc
Là địa phương đăng ký về đích vào hạn chót năm 2020, đến nay xã Đông Xuyên (Ninh Giang) vẫn còn ngổn ngang nhiều phần việc. Để thực hiện các tiêu chí đúng tiến độ, xã cần sớm hoàn thiện trung tâm hành chính, xây dựng nhà văn hóa trung tâm, giải phóng mặt bằng làm sân vận động.
Hiện cả 3 cấp học đều chưa đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đông Xuyên cần xây thêm 12 phòng học tại trường tiểu học, THCS và làm nhà hiệu bộ, bếp ăn tập thể của trường mầm non. Muốn đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải làm tuyến đường dài 800 m nữa tại thôn Đông Cao và nâng cấp đường thôn Xuyên Hử.
Theo ông Bùi Thanh Thùy, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên, xã cần khoảng 33 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí NTM. Trong gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, địa phương đã huy động 52,72 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau.
Qua rà soát, đến hết năm 2019, Đông Xuyên sẽ đạt 17 trong tổng số 19 tiêu chí. 2 tiêu chí còn lại là trường học và cơ sở vật chất văn hóa quá sức với xã vì không có nhiều nguồn thu. Địa phương rất cần sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp nhằm sớm đạt chuẩn NTM.
Đến nay, xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) mới đạt 15 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Những tiêu chí còn thiếu đều là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học cần nguồn vốn lớn nhưng không thể huy động sức dân. Năm 2019, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, xã được hỗ trợ 4 tỷ đồng bổ sung vào kinh phí thực hiện nhiệm vụ NTM, nhưng so với những hạng mục còn thiếu thì số tiền này chỉ là động viên.
Theo tính toán, xã còn thiếu khoảng 40 tỷ đồng để hoàn thiện các công trình còn thiếu. Ông Trương Ngọc Thành, Chủ tịch UBND xã Phượng Kỳ cho biết: "Xuất phát điểm thấp, nội lực hạn chế nên tiến độ xây dựng NTM chậm so với mặt bằng chung nhưng không vì thế mà địa phương trông chờ, ỷ lại. Để không ảnh hưởng tới thành tích chung của cả tỉnh, Phượng Kỳ đang cố gắng khai thác, tận dụng tối đa mọi lợi thế, phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020”.
Cần cơ chế hỗ trợ đủ mạnh
Bên cạnh sự hỗ trợ từ cấp trên, các xã khó khăn cần chú trọng khai thác nội lực để nâng cao thu nhập cho người dân, làm nền tảng xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, với tiến độ xây dựng như hiện nay, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 201 trong tổng số 220 xã đạt chuẩn NTM. 19 xã còn lại thuộc các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Hà sẽ phải về đích năm 2020 để góp phần đưa tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch.
Thế nhưng, nhiều xã mới đạt từ 14-16 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, cần kinh phí lớn. Mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm sau của các xã trên rất nặng nề. Thời gian còn lại gấp rút, đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm cao thì mới có thể về đích đúng hẹn.
Hằng năm, tỉnh đều bố trí khoảng 70 tỷ đồng hỗ trợ các xã khó khăn xây dựng NTM. Nguồn vốn này phục vụ các địa phương thực hiện những tiêu chí cứng về hạ tầng, cơ sở vật chất. Trong giai đoạn nước rút, không chỉ hỗ trợ bằng vật chất, tỉnh còn cần sát sao chỉ đạo, cùng các xã tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch; đồng thời có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các địa phương về đích trước hạn.
Theo ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, quan điểm của tỉnh là không để các xã khó ở lại phía sau. Cùng với hỗ trợ các địa phương đang xây dựng NTM nâng cao, tỉnh vẫn tập trung, ưu tiên hỗ trợ các xã khó khăn, chưa về đích NTM. Ngoài vốn, tỉnh còn cấp xi măng theo nhu cầu sử dụng của từng địa phương.
Mặc dù tỉnh quan tâm, tạo điều kiện song các xã không nên dựa dẫm, ỷ lại mà phải vận động để phát huy nội lực. Bởi chặng đường xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc công nhận đạt chuẩn mà nhiệm vụ phía trước còn rất gian nan. Các địa phương cần chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhằm xây dựng NTM bền vững, lâu dài chứ không nặng về thành tích.
DŨNG CƯỜNG