Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:15, 25/11/2019

Khi giờ làm việc bình thường chưa đủ điều kiện để giảm, hãy nghĩ đến những hành động gắn hơn với đời sống cơm áo người lao động.

Khi cơm ăn, áo mặc còn là nỗi lo đeo đẳng, khi nơi ở còn chưa yên ấm thì "giấc mơ" giảm giờ làm để người lao động có thêm thời gian chăm sóc gia đình, mưu cầu đời sống tinh thần hạnh phúc, vui vẻ hơn cũng chỉ là thứ yếu, xa vời.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20.11 có nhiều điểm mới, mang tính lịch sử để bảo vệ quyền của người lao động. Nhưng có một vấn đề gây nhiều tranh luận trái chiều và khiến nhiều đại biểu tâm tư khi bấm nút - đó là việc có nên hay không giảm giờ làm bình thường từ 48 giờ/tuần còn 44 giờ/tuần.

Tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới. Nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, để thực hiện "giấc mơ" đó cũng phải nhìn thẳng vào thực tế còn nhiều người lao động, nhất là công nhân, chưa đủ khả năng trang trải cuộc sống bằng đồng lương.

Thực tế đó là còn rất nhiều người lao động sống trong những nhà trọ chật chội, nhếch nhác, nhồi nhét. Nhiều cặp vợ chồng xa xứ làm ăn còn phải gửi con cái ở quê cho ông bà chăm sóc vì không đủ điều kiện chăm con. 

Sống ở đô thị đắt đỏ, không ít người lao động xa quê biền biệt, không dám về nhà dịp Tết vì "không có tiền".

Cơm áo còn chật vật với họ như vậy, nói gì đến chuyện vui chơi, mưu cầu đời sống tinh thần tốt hơn. Bởi vậy, giảm giờ làm để dành thời gian cho gia đình và mưu cầu đời sống tinh thần với nhiều người lao động dù muốn nhưng họ chưa nghĩ tới. Thậm chí nhiều người còn mong có thêm giờ làm để cải thiện thu nhập.

Không đưa nội dung giảm giờ làm vào luật nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định đưa vào nghị quyết của kỳ họp, giao Chính phủ xem xét có lộ trình đề xuất giảm giờ làm. Đồng thời, giữ quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động". 

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ mong muốn: "Nếu điều kiện kinh tế - xã hội tốt lên thì có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ có thể 2 hoặc 3 năm, hoặc có thể dài hơn".

Lộ trình giảm giờ làm nhanh hay chậm dựa vào sự hành động quyết liệt của Chính phủ. Đó là những chính sách để doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; cải cách đơn giản thủ tục hành chính thông thoáng cho doanh nghiệp; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động... 

Khi đó mới hi vọng năng suất lao động được tăng lên; lương thưởng, điều kiện lao động của người lao động được cải thiện. Việc giảm giờ làm cũng khả thi hơn.

Khi giờ làm việc bình thường chưa đủ điều kiện để giảm, hãy nghĩ đến những hành động gắn hơn với đời sống cơm áo người lao động. Đó là quyết sách để có nhiều căn nhà giá rẻ, vừa sức tiền của người lao động như Bình Dương đã làm cho họ có nơi "an cư lạc nghiệp". 

Đó là những trường học, nhà giữ trẻ cho con em công nhân để họ yên tâm làm việc. Đó là những suất ăn đủ chất đủ lượng, những lớp bổ túc, đào tạo nâng cao tay nghề... 

Và còn hàng loạt thiết chế cần được thiết kế, hành động quyết liệt để cải thiện đời sống cho người lao động như những câu thơ trong bài Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy viết từ 30 năm trước: "Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm/ Rồi đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn...".

TIẾN LONG