Colombia trước tình trạng bất ổn xã hội
Bình luận - Ngày đăng : 18:01, 25/11/2019
Người biểu tình Colombia đụng độ với cảnh sát tại quảng trường Bolivar ở Bogota hôm 21.11. Ảnh: The Wall Street Jounal
Tình trạng bất ổn hiện nay đã đặt ra nhiều thách thức với chính quyền Tổng thống Colombia Ivan Duque.
Tổng bãi công biến thành bạo loạn
Hôm 21.11, hàng nghìn người dân Colombia thuộc các đoàn thể, các tổ chức xã hội, sinh viên và công nhân đã đổ xuống đường tuần hành hưởng ứng cuộc tổng bãi công trên cả nước nhằm phản đối các kế hoạch cải cách lao động, hưu trí và giáo dục của chính phủ Tổng thống Ivan Duque, được cho là sẽ kéo dài độ tuổi nghỉ hưu hay giảm mức lương tối thiểu. Dù Tổng thống Duque trước đó đã phủ nhận Chính phủ đang thúc đẩy gói biện pháp cải cách này, song cuộc đình công vẫn diễn ra.
Sau cuộc tổng đình công ngày 21.11, các nhóm quá khích đã phong tỏa toàn bộ các bến xe công cộng chính ở phía nam thủ đô Bogota và sau đó tiến hành các hành động bạo lực, đập phá nhiều cơ sở công cộng.
Chiều 22.11, một đám đông khác đã tụ tập tại quảng trường Bolivar tại Bogota để thể hiện sự phẫn nộ với Chính phủ Tổng thống Ivan Duque.
Ngày 23.11, Chính phủ Colombia cho biết các cuộc bạo loạn và cướp bóc trong cuộc tổng bãi công chống Chính phủ tại các thành phố ở nước này đã khiến 3 người thiệt mạng và 273 người bị thương, gây thiệt hại vật chất nặng nề.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Holmes Trujillo cho hay nhà chức trách đã xác nhận 2 người thiệt mạng tại Buenaventura và 1 người khác tại Candelaria, đều thuộc bang Valle del Cauca. Ông Trujillo cho biết thêm đã có những hành động phá hoại từ phía những người biểu tình tại các trạm giao thông công cộng, các trung tâm thương mại dẫn tới đụng độ với lực lượng an ninh.
Kết quả của các cuộc đối đầu cũng khiến 151 thành viên của lực lượng vũ trang bị thương, trong đó có 138 sĩ quan quân đội.
Cuộc tổng đình công biến thành bạo loạn với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trên khắp Colombia buộc chính quyền phải đưa ra các biện pháp mạnh để trấn áp.
Nhà chức trách Colombia đã bắt giữ 230 đối tượng liên quan đến các hành động bạo lực. Thị trưởng thủ đô Bogota đã ban bố lệnh giới nghiêm tại 3 khu vực đông dân cư nhất ở phía Nam thành phố này nhằm ngăn chặn các cuộc bạo loạn và cướp phá.
Ngoài ra, Cơ quan di trú Colombia đã ra lệnh đóng cửa 12 cửa khẩu biên giới với Venezuela, Brazil, Peru và Ecuador từ ngày 20 đến 23.11 để ngăn chặn sự xâm nhập của các đối tượng người nước ngoài vào Colombia gây rối trong thời gian diễn ra tổng đình công và biểu tình.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo các nhà phân tích, tình trạng biểu tình bạo lực tại Colombia trong những ngày qua nhằm phản đối các kế hoạch cải cách lao động, hưu trí và giáo dục của chính phủ Tổng thống Ivan Duque chỉ là “giọt nước tràn ly” sau hàng loạt những bất bình với các chính sách của chính quyền Tổng thống Duque trong hơn một năm cầm quyền.
Trên thực tế, Tổng thống Colombia Ivan Duque, thành viên của đảng Bảo thủ xã hội, lên nắm quyền tháng 8.2018, tiếp nhận một đất nước Colombia đã thay đổi rất nhiều trong hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Juan Manuel Santos. Trong đó, đáng chú ý nhất là thỏa thuận đã được Chính phủ Colombia ký kết với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi cuối năm 2016, giúp chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài trong suốt hơn nửa thế kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Tuy nhiên, Colombia mà ông Duque tiếp quản vẫn là một đất nước chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn nhận về thỏa thuận hòa bình này, cũng vì vậy mà những gì người dân quốc gia Nam Mỹ nhận được trong hai năm qua chỉ là một nền hòa bình chưa ổn định. Đấy là chưa kể tiến trình đàm phán với một nhóm vũ trang khác là Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đạt được kết quả khi nhiệm kỳ của ông Santos khép lại.
Sau khi nhậm chức Tổng thống Colombia, ông Duque cam kết sẽ tiến hành điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận hòa bình để đem lại công lý cho người dân Colombia, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết vấn nạn ma túy mà ông từng nhiều lần tuyên bố coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia…
Với một chính phủ trẻ trung từ tổng thống cho tới các bộ trưởng, người dân Colombia hy vọng sẽ được bước vào một giai đoạn hòa bình thực sự để tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế. Giải quyết được sự chia rẽ trong xã hội sẽ giúp cho ông Duque có cơ sở để thực thi những chính sách kinh tế trên cơ sở sự công bằng xã hội, chấm dứt được đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, sau hơn một năm nhậm chức, tỷ lệ tín nhiệm của nhà lãnh đạo Colombia Duque đã giảm mạnh. Theo một cuộc thăm dò tháng 8.2019 của Gallup, 64% số người được hỏi không tán thành quy tắc của ông và chỉ 29% nói rằng ông đang làm tốt công việc điều hành đất nước Nam Mỹ này. Thậm chí, các chuyên gia dự báo tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Colombia Duque sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới nếu ông không thể mang lại sự thay đổi cần thiết.
Về chính trị, an ninh, nhiều người đã chỉ trích việc Chính phủ chậm chạp trong triển khai thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia năm 2016, chấm dứt xung đột khiến 220.000 người thiệt mạng.
Không những thế, hồi tháng 8, Chính phủ Colombia đã tiến hành một chiến dịch không kích quân sự vào lực lượng FARC làm ít nhất 8 trẻ em thiệt mạng. Sự việc này đã khiến công chúng Colombia bất bình, gây áp lực buộc Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Guillermo Botero từ chức vào đầu tháng 11.
Về an ninh, Chính phủ Colombia được cho là chưa có biện pháp tích cực nhằm trấn áp tội phạm đang ngày một hoành hành làm gia tăng bất ổn trong xã hội cũng như vấn đề bảo vệ cộng đồng người bản địa, hiện đang phải đối mặt với đe dọa về an ninh nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Thống kê của cho thấy có 730 nhà lãnh đạo cộng đồng đã bị sát hại kể từ năm 2016 và 40% trong số đó là người bản địa. Giới phân tích nhận định chừng nào thỏa thuận giữa Chính phủ và FARC chưa được triển khai triệt để, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và đe dọa an ninh cho Colombia.
Về ngoại giao, mối quan hệ căng thẳng giữa Colombia với Venezuela cũng chưa có nhiều biến chuyển, khiến nhiều người lo ngại rằng đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào tại biên giới hai quốc gia.
Trong lĩnh vực kinh tế, cải cách kinh tế kém hiệu quả dẫn đến tăng trưởng không ổn định, nạn tham nhũng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp gia tăng, bất bình đẳng thu nhập ngày gia tăng đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân lao động, làm gia tăng bất mãn trong nhân dân.
Quan trọng hơn, ông Ivan Duque bị đánh giá là thiếu quyết đoán khi rút lại dự thảo cải tổ thuế vốn đã trình Quốc hội hồi tháng 10 vì áp lực chính trị. Theo Tiến sỹ Christopher Sabatini, chuyên gia Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh), ông Ivan Duque không được lòng người dân và chịu sự chi phối của người tiền nhiệm Alvaro Uribe Velez.
Cần một giải pháp tối ưu
Ngoài cuộc tổng đình công biến thành bạo loạn hiện nay, đoàn người biểu tình tại Colombia cũng đã yêu cầu Tổng thống Ivan Duque và nội các từ chức, nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo và Chính phủ khác hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Colombia Ivan Duque mới chỉ nhậm chức được hơn một năm và việc thay đổi lãnh đạo đột ngột chưa bao giờ là giải pháp tối ưu.
Các chuyên gia phân tích nhận định điều chính phủ của Tổng thống Duque cần thay đổi là chiến lược, cách thức tiếp cận và giải quyết triệt để gốc rễ nguyên căn dẫn đến biểu tình.
Đã đến lúc chính quyền Tổng thống Duque cần lắng nghe, tìm hiểu khó khăn của người dân một cách thấu đáo trước khi đưa ra giải pháp cụ thể. Đặc biệt, việc sử dụng lực lượng cảnh sát nhằm trấn áp các cuộc biểu tình sẽ không khiến bạo lực thuyên giảm, mà chỉ khiến tình hình trầm trọng hơn.
Trong một động thái nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng trên toàn quốc, ngày 24.11, chính quyền của Tổng thống Colombia Ivan Duque đã bắt đầu tiến hành một cuộc “đối thoại quốc gia” với các Bộ trưởng Tài chính, Lao động Thương mại cùng với đại diện của các chủ doanh nghiệp và những người lao động ở nước này.
Thông cáo ngày 24.11 của Phủ Tổng thống Colombia cho biết Tổng thống Duque đã “khởi động đối thoại quốc gia” với các thị trưởng và các quan chức khác. Cuộc đối thoại đã diễn ra rạng sáng 25.11 (giờ Việt Nam).
Cũng theo Phủ Tổng thống Colombia, đối thoại với "các lĩnh vực xã hội khác nhau" sẽ diễn ra vào tuần tới, song chưa rõ các cuộc đối thoại này sẽ được triển khai theo hình thức nào.
Cộng đồng quốc tế hy vọng các cuộc “đối thoại quốc gia” sẽ tìm ra một giải pháp tối ưu nhằm khôi phục sự ổn định và đà tăng trưởng cho quốc gia Nam Mỹ này.
Theo TTXVN