Không còn "biên chế trọn đời"

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:42, 30/11/2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được Quốc hội thông qua.

Tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực (ngày 1.7.2020) sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Điều này có nghĩa sẽ không còn "biên chế trọn đời", tâm lý yên trí, sức ỳ, "chân ngoài dài hơn chân trong"... của viên chức sẽ phải "thanh lý".

Thực tế lâu nay, rất nhiều người nỗ lực phấn đấu để vào biên chế, thậm chí còn tìm cách "chạy" biên chế vì vào được các cơ quan nhà nước rồi là có công việc ổn định suốt đời. Cũng chính vì tâm lý ấy, ở nhiều cơ quan nhà nước, một bộ phận viên chức thường đủng đỉnh trong công việc, năng suất làm việc thấp.

Nhiều người thường mất thời gian ngồi bàn trà công sở, "chém gió", lướt mạng xã hội trong giờ làm việc. Có viên chức tranh thủ thời gian ra ngoài để làm việc riêng.

Vẫn còn tình trạng viên chức ngồi quán cà phê; tranh thủ đi chợ, mua sắm... trong giờ hành chính. Do lương của viên chức còn thấp nên một số người làm thêm nghề "tay trái" như bán hàng qua mạng...

Vì vậy có người dù ngồi ở cơ quan nhưng lại bớt xén thời gian làm việc để đăng tải các bài chào hàng hoặc đi muộn, về sớm để giao hàng cho khách. Tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" ấy khiến họ xao nhãng công việc chuyên môn.

Mặc dù theo quy định, viên chức chỉ được nghỉ hưởng nguyên lương khi tứ thân phụ mẫu, vợ hoặc chồng, con qua đời; bản thân hoặc có con kết hôn, nhưng thực tế viên chức còn xin nghỉ vì rất nhiều lý do như nhà có giỗ, có đám cưới họ hàng, ăn mừng nhà mới...

Tâm lý "biên chế trọn đời" cũng được coi là rào cản khiến nhiều người ngại đổi mới, tạo sức ỳ trong công việc bởi chẳng phải nỗ lực phấn đấu thì vẫn có thu nhập ổn định hằng tháng, lương cứ đến hẹn lại tăng.

Chính sách này cũng dẫn tới tình trạng "tự cho mình nghỉ hưu", nghĩa là còn cách 1-2 năm trước thời điểm nhận sổ hưu nhưng một số viên chức đã gần như không làm việc.

Ở một số cơ quan có tình trạng "sống lâu lên lão làng", cứ có nhiều năm công tác, kinh nghiệm thì dễ được bổ nhiệm các chức vụ quản lý và đã bổ nhiệm là yên vị cho đến lúc nghỉ hưu.

Vì thế ở nhiều cơ quan, khi "bàn cờ" đã sắp kín chỗ, một số người sẽ nảy sinh tư tưởng không cần cố gắng, nỗ lực nữa vì có cố gắng thì cũng sẽ không được ghi nhận.

Chế độ "biên chế trọn đời" còn rất nhiều hạn chế khác nữa. Vì thế, khi nó bị loại bỏ, người lao động sẽ phải không ngừng nỗ lực trong công việc ở mọi thời điểm, phải cạnh tranh trong công việc nếu không muốn bị loại bỏ khỏi bộ máy.

Quy định này sẽ tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng thể hiện năng lực, phấn đấu, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là năng suất lao động.

Một điểm mới đáng chú ý nữa của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là định rõ việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định tiến bộ.

Với quy định này, nhất định đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ. Bởi sẽ không còn khái niệm "hạ cánh an toàn", về hưu rồi là có thể an tâm an hưởng tuổi già hoặc đã chuyển công tác, bàn giao công việc là rũ bỏ trách nhiệm.

Tuy luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành nhưng quy định mới cũng đặt ra suy nghĩ đối với đội ngũ viên chức hiện nay.

Viên chức phải không ngừng nỗ lực phấn đấu nếu không muốn bị tụt hậu, thua kém so với các thế hệ sau.

KIM THANH