Thi sĩ Tản Đà chết trong nghèo khổ
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:47, 15/12/2019
Khi sức khỏe của Tản Đà (tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu) ngày càng yếu đi, người ta dường như không thấy ông cầm bút viết nữa. Đã thế, vì không trả được tiền thuê nhà ở phố Bạch Mai nên ông phải dời về ở số nhà 71 đường Cầu Mới (đường Nguyễn Trãi ngày nay), Hà Nội.
Một hôm, Tản Đà đến chơi nhà ông giáo Nguyễn Hữu Hy ở làng So, huyện Quốc Oai, Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây). Đi bộ trên một quãng đường dài lại dưới trời nắng gắt, trong khi còn đang mệt, Tản Đà liều xuống ao tắm cho đỡ nóng nên khi đến nhà ông giáo Hy thì lăn ra ốm. Tản Đà sốt mê man suốt đêm. Ông giáo Hy đã chăm sóc Tản Đà chu đáo nhưng bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm. Vì thế, ông giáo Hy phải thuê người đưa Tản Đà về nhà ở đường Cầu Mới. Khoảng hai tuần sau thì Tản Đà mất.
Trong làng văn Việt Nam lúc bấy giờ, người đầu tiên biết tin Tản Đà ốm nặng chính là nhà văn Khái Hưng (tên thật là Trần Khánh Giư, một thời gian dài cộng tác với tờ An Nam tạp chí của Tản Đà). Chính Khái Hưng đã mời bác sĩ đến khám bệnh cho Tản Đà. Nhưng do bệnh tình quá nặng nên nhà thơ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7.6.1939. Khi mất ông không trăng trối được điều gì.
Sau này, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết về những giờ phút cuối cùng của Tản Đà như sau: "Ông Tản Đà còn hấp hối. Và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại, ông Tản Đà có nét mặt dăn dúm của một người chết bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sõng sượt đây khó mà đi cho nó nhẹ nhàng được".
Còn nhà văn Ngô Tất Tố, người từng gắn bó với Tản Đà trong thời gian hai người làm ở Đông Pháp thời báo (do Nguyễn Kim Đính làm chủ nhiệm, xuất bản số đầu ngày 2.5.1923) thì viết: "Hình như riêng ở phương Đông cái nghèo đã là trường đúc nên văn sĩ ... Ông Nguyễn Khắc Hiếu tuy có xã hội giúp đỡ, trước khi nhắm mắt, một số đồ đạc cũng bị tịch thu vì thiếu tiền nhà!".
Thật đau đớn cho một thi nhân. Tản Đà từ biệt cuộc đời khi mới 51 tuổi.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)