Nét đặc sắc của tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 10:19, 16/12/2019
Tư tưởng và nghệ thuật quân sựViệt Nam thấm đẫm tính nhân văn, dân tộc sâu sắc
Công cuộc đấu tranh đó đã để lại một di sản vô cùng quý giá, đó là tư tưởng và nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc, thấm đẫm tính nhân văn-văn hóa quân sự Việt Nam.
Không khoan nhượng trước kẻ thù xâm lược
Trong các cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, chống lại ách đô hộ của ngoại bang, nhân dân ta luôn đoàn kết thành một khối thống nhất với ý chí quật cường, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược hung bạo. Trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại đó đã xuất hiện những danh tướng kiệt xuất, mãi mãi đi vào lịch sử, như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung-Nguyễn Huệ… Họ là những anh hùng dân tộc không chỉ có tài thao lược quân sự xuất chúng mà còn là những nhà tư tưởng-văn hóa đậm chất nhân văn, ngay kẻ thù cũng phải khâm phục. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, dân tộc ta đều có phương thức đấu tranh phù hợp để bảo vệ non sông, gấm vóc và cuộc sống yên bình của nhân dân. Đây là cơ sở hình thành, phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam - hệ giá trị văn hóa giữ nước - văn hóa quân sự có một không hai trên thế giới.
Lịch sử đã khẳng định, tư tưởng quân sự của dân tộc ta là tư tưởng tiến công, cũng có thể nói là tư tưởng chiến lược tiến công. Lựa chọn tư tưởng tiến công là thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược của cả dân tộc. Từ đó tạo nên sự đoàn kết toàn dân, niềm tin chiến thắng và không chịu khuất phục kẻ thù cho dù chúng có mạnh và hung bạo đến đâu.
Thực tế các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, kẻ địch có tiềm lực kinh tế-quân sự mạnh hơn hẳn và triệt để phát huy ưu thế về binh lực, vũ khí, trang bị… để thực hiện đánh nhanh, giải quyết nhanh, đè bẹp ý chí chiến đấu và buộc nhân dân ta phải khuất phục. Trước tình thế đó, các triều đại Nhà nước phong kiến Đại Việt đều chú trọng thực hiện nhiều kế sách giữ nước, trong đó khơi dậy tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong nhân dân. Ý chí quyết đánh của nhân dân cả nước được thể hiện rõ trong Hội nghị Diên Hồng của các bô lão và hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay của binh lính thời nhà Trần; hoặc “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của Bà Trưng, Bà Triệu.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước, văn hóa quân sự Việt Nam được kết tinh qua lời kêu gọi, động viên bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”… đã thôi thúc tinh thần 54 dân tộc thuộc “con Lạc, cháu Hồng” đứng lên cầm vũ khí đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.
Toàn dân đánh giặc
Trong tình thế luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh và tàn bạo, đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam ở mọi thời kỳ là động viên toàn dân đánh giặc. Đây là nét văn hóa quân sự truyền thống, đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Để giữ vững giang sơn bờ cõi - “non sông nghìn thuở vững âu vàng”, các triều đại phong kiến Đại Việt đều nhất quán tư tưởng, quan điểm: cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của thế trận “làng-nước”, sức mạnh của toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch để đánh bại kẻ thù xâm lược.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng này không những được vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển lên tầm cao mới, được thể hiện tập trung qua khái quát cô đọng của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đường lối, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng ta là tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính… Hơn thế, Đảng ta còn phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đánh địch trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Nhờ có đường lối, nghệ thuật quân sự đúng đắn, Đảng ta đã huy động và tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh đổ từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Linh hoạt “thế, lực, thời, mưu”
Nghệ thuật quân sự Việt Nam đặc sắc ở chỗ vận dụng linh hoạt “thế, lực, thời, mưu”, với nhiều cách đánh sáng tạo để giành thắng lợi với tổn thất ít nhất. Đây cũng là nét tiêu biểu nhất thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam. Và xuất phát từ đạo lý “thương người như thể thương thân”, “tương thân, tương ái”, trong các cuộc chiến tranh nói chung, các trận đánh nói riêng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vừa thể hiện quyết tâm giành thắng lợi, vừa cố gắng hạn chế thấp nhất tổn thất cho cả hai bên. Và khi thắng lợi luôn ứng xử mang đậm tính nhân văn, bác ái giữa con người với con người nhằm xóa bỏ thù hận, mau chóng nối lại hòa hiếu bang giao giữa hai quốc gia, dân tộc. Đây là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa quân sự của dân tộc, được các thế hệ duy trì thực hiện và phát triển.
Để giành thắng lợi, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực, kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang. Với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “mưu phạt tâm công”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”... làm cho nghệ thuật quân sự và văn hóa quân sự Việt Nam càng trở nên đặc sắc, độc đáo. Tư tưởng đó tiếp tục được vận dụng sáng tạo ở thời đại Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng mà rõ nhất là công tác địch vận. Công tác này được thực hiện hết sức hiệu quả, có tác dụng như một “vũ khí” sắc bén, một “sức mạnh mềm” không những kêu gọi được nhiều người lầm đường, lạc lối trở về với dân tộc, với chính nghĩa, chống lại quân xâm lược mà còn giúp họ thấy rõ tính chất phi nghĩa của kẻ xâm lược.
Tính nhân văn, dân tộc sâu sắc
Văn hóa quân sự Việt Nam có tính nhân văn, tính dân tộc sâu sắc, nó được thể hiện trong cách ứng xử giữa con người với con người. Mối căm hận trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược có thể khiến người dân Việt Nam tiêu diệt kẻ thù. Nhưng dân tộc Việt Nam không làm vậy; trái lại, luôn bằng mọi cách để mở đường “hiếu sinh” cho binh sĩ đối phương về nước an toàn. Đó là điều kiện đầy tính nhân văn để hai nước xây dựng mối quan hệ hòa hiếu, hữu nghị, cùng phát triển. Lịch sử đã chứng kiến những hành động cao cả của dân tộc Việt Nam đối với kẻ xâm lược, như: vua Trần đảm bảo an toàn cho quân Nguyên; Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi cung cấp lương thảo, phương tiện cho quân Minh; Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách tù, hàng binh, “nghinh tiễn” quân Pháp, quân Mỹ cuốn cờ về nước. Bằng những hành động trên, dân tộc ta đã thể hiện nguyện vọng cháy bỏng: hòa bình, hữu nghị và ổn định với các quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước láng giềng.
Tính nhân văn, dân tộc thời đại Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chiến lược, sách lược cách mạng, chỉ đạo chiến tranh nhân dân. Trên mặt trận ngoại giao, chính sách đối ngoại có nguyên tắc và đầy tình nghĩa của Đảng, Nhà nước ta trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Phôngtennơblô, Giơnevơ và Pari... thể hiện rõ cốt cách của một dân tộc yêu hòa bình, đầy lòng nhân ái, vị tha. Đồng thời, đảm bảo tính nguyên tắc, cứng rắn về chiến lược với sách lược mềm dẻo, có lý, có tình. Trong đó, cuộc hòa đàm ở Pari là minh chứng điển hình đã gây ấn tượng mạnh trong chính giới và báo giới quốc tế về “trường phái ngoại giao Việt Nam-Hồ Chí Minh”.
Những di sản quý báu đó tiêu biểu cho tài thao lược kiệt xuất của ông cha ta. Nó được kế thừa, phát huy, phát triển và nâng cao ở các thế hệ tiếp nối, nhất là ở thời đại Hồ Chí Minh.
Theo TTXVN