Tự hào người lính hải quân

Các em viết - Ngày đăng : 14:57, 22/12/2019

Anh tôi là lính hải quân. Bao ngày qua, anh bám biển, làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.



Gió biển mát rượi phả vào gương mặt sạm đen gió sương, từng con sóng ngoài kia vỗ về ấp ủ. Sóng xanh, sóng dập dìu, cùng với gió biển mang theo vị biển mặn mòi, vị khơi xa khiến khóe mũi anh Tuân cay cay. Nền cát trắng lún nhẹ theo từng bước chân anh... Gió, sóng, cát vẫn luôn như thế, như người bạn của anh tôi những lúc nhớ nhà.

Anh tôi là lính hải quân. Bao ngày qua, anh bám biển, làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Từng mỏm đá đã trở nên quen thuộc với anh. Thi thoảng vào lúc hoàng hôn, trong anh lại trào lên cảm xúc bồi hồi, đó là một góc ký ức sâu nặng lắm. Nhẹ nhàng nhấc chiếc mũ có ánh sao vàng xuống ôm vào lòng, anh Tuân ngồi lặng bên mỏm đá, đôi mắt nhìn xa xăm, đăm chiêu mà lóng lánh bóng chiều. Từng dòng ký ức ùa về như một thước phim đã chiếu đi chiếu lại. Anh nghĩ về bố.

Bố tôi là một cựu lính hải quân. Bố đã dành mấy chục năm để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Cả tuổi thơ của anh em tôi chỉ được biết về bố qua những bức thư tay, qua lời mẹ kể. Mỗi năm bố về phép một lần chúng tôi mới được bố đưa đi chơi công viên, được ăn kem ly, ngọt mát trong cổ họng. Nhìn bố mặc quân phục rất đẹp, rất oai phong khiến các em bé trong công viên đều ngước nhìn, chỉ trỏ. Chỉ như vậy thôi nhưng cũng đủ để anh Tuân và tôi tự hào về bố biết bao. Trong trái tim anh, bố vẫn luôn là một tấm gương sáng mà anh nhất định sẽ noi theo. Những câu chuyện ngoài biển khơi, ngoài đảo xa khắc nghiệt, những đêm ngày gió sương, nắng biển, những người đồng đội gắn bó như máu thịt đã khắc sâu trong tâm trí anh tôi một tình yêu sâu nặng với người lính. Trong một bức thư gửi về đúng ngày sinh nhật thứ 15 của anh, bố từng bảo: "Bố nhớ ba mẹ con nhiều lắm nhưng bố không về được. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 15 của con, chàng trai của bố! Bố mong con sẽ trở thành điểm tựa của mẹ và em những khi bố vắng nhà!...”. Bố còn dặn anh Tuân nhiều lắm. Đọc xong thư, anh rưng rưng, không trách bố mà nhớ bố và thương bố biết bao.

Dưới bức thư là một hình ngôi sao nhỏ, có lẽ bố đã tỉ mỉ làm từ mảnh kim loại, từng chi tiết đều hoàn hảo khiến anh Tuân cảm nhận được cả tình thương của bố. Mẹ và anh em tôi luôn ngóng chờ ngày bố được về phép. Tôi hình dung gương mặt nghiêm nghị rám nắng của bố, hình dung vòng tay to lớn, vững chắc và ấm áp của bố sẽ ôm mình vào lòng... Nhưng người xuất hiện ở nhà tôi hôm ấy lại không phải là bố mà là bác Lục - người đồng hương cùng đơn vị với bố. Bác về để báo cho mẹ con tôi rằng bố đã bị thương trong đợt cứu hộ cứu nạn tàu cá của ngư dân trong cơn bão vừa qua.

Mẹ tôi hoảng hốt, miệng lắp bắp, run rẩy, nói không ra tiếng. Anh Tuân vội đỡ mẹ, làm điểm tựa cho mẹ. Bác Lục trấn an: “Ba mẹ con yên tâm! Anh nhà chỉ bị thương nhẹ thôi nhưng cần điều trị tại chỗ, khi nào bình phục mới về đất liền được”. Sau này khi trở về, bố tôi mang thương tật trên người. Bố trở thành thương binh, chân đi tập tễnh. Nhưng trong mắt chúng tôi, bố luôn là “người hùng”. Cũng từ đó, anh Tuân quyết tâm thi đỗ vào Học viện Hải quân. Anh thường xuyên bơi lặn để có sức khỏe dẻo dai. Anh muốn tiếp bước con đường mà bố tôi đã chọn.

Giờ đây, anh đang ngồi bên mỏm đá quen thuộc này, nơi mà bố đã từng hứa sẽ dẫn mẹ, anh em tôi ra thăm đảo, để ngắm biển lúc bình minh và hoàng hôn. Khoác lên mình màu áo trắng xanh của bộ đội hải quân, anh luôn dành trọn tâm huyết vì sứ mệnh cao cả của mình. Anh luôn giữ ngôi sao kỷ niệm của bố, nó như nguồn sức mạnh vô tận khiến anh kiên định tình yêu với biển đảo của Tổ quốc.

NGUYỄN THỊ THU GIANG (Lớp 12H, Trường THPT Nam Sách