Điểm tựa của nạn nhân da cam

Xã hội - Ngày đăng : 09:16, 24/12/2019

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh không ngừng phát triển, là điểm tựa của hội viên, thực hiện tốt vai trò vận động cộng đồng cùng sẻ chia nỗi đau với nạn nhân da cam.


Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao quà cho một gia đình có 5 nạn nhân chất độc da cam ở xã Nhật Tân (Gia Lộc)

Nhiệm kỳ 2014-2019, bằng nhiều việc làm thiết thực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương không ngừng phát triển, thực sự là điểm tựa của hội viên, thực hiện tốt vai trò vận động cộng đồng cùng sẻ chia nỗi đau với nạn nhân da cam.

Hội viên tăng gần gấp đôi

Nhiệm kỳ qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong mọi mặt công tác. Đây là điều kiện thuận lợi để các cấp hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, kết nạp hội viên.  

Toàn tỉnh có thêm 1.726 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc con đẻ của họ được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật, nâng tổng số lên 8.207 người được hưởng trợ cấp.

Trong số này có 6.257 người nhiễm chất độc da cam trực tiếp, 1.950 người nhiễm gián tiếp thuộc thế hệ thứ 2. Trong 5 năm qua, các hội cơ sở đã kết nạp thêm 5.314 hội viên, nâng tổng số lên 11.333 hội viên, gồm cả hội viên là nạn nhân da cam và hội viên danh dự.  

Hoạt động của các cấp hội đi vào nền nếp, là chỗ dựa tin cậy của nạn nhân da cam trong tỉnh.

Toàn tỉnh thành lập thêm 18 hội cấp xã, nâng tổng số lên 232 hội cơ sở. Thường trực Tỉnh hội thường xuyên đề xuất với các cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học và chăm sóc nạn nhân da cam.

Các cấp hội thường xuyên thực hiện chương trình phối hợp với MTTQ, Hội Cựu chiến binh các cấp và các ban, ngành chức năng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương.

Sẻ chia

Nạn nhân da cam phần lớn là những người trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình nhưng đối với họ nỗi đau vẫn còn dai dẳng, nhất là những gia đình có thế hệ thứ 2, thứ 3 cùng bị nhiễm.

Dù đến nay nước ta đã có nhiều chính sách đối với nạn nhân da cam nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Do đó, các cấp hội luôn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng để chăm lo nạn nhân da cam. 

Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã có nhiều hình thức vận động linh hoạt, phù hợp như viết thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ gửi các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả của chất độc da cam/dioxin trên các phương tiện truyền thông... Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã kêu gọi được hơn 8,1 tỷ đồng (tính cả tiền và hiện vật). Tỉnh hội nhận được hơn 2,2 tỷ đồng, hội cấp huyện hơn 4,1 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ về hội cơ sở. 

Từ nguồn kinh phí trên, các cấp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực nhân các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm của hội. Hội đã rà soát và trao quà cho hơn 34.400 lượt nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp hội đã hỗ trợ sửa chữa 88 căn nhà, trao bò giống cho 12 hộ, cho 12 hộ vay vốn sản xuất, cấp 99 chiếc xe lăn, 33 suất học bổng, phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người...

Sự hỗ trợ này giúp các nạn nhân da cam vơi bớt mặc cảm, giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người đã vượt qua bệnh tật, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương. 

Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về nỗi đau da cam, tổ chức tốt các hoạt động nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam 10.8 hằng năm.

Nắm chắc những hoàn cảnh, nhu cầu của nạn nhân để đề ra các giải pháp vận động nguồn lực, chăm sóc họ hiệu quả; đẩy mạnh phong trào thi đua vì nạn nhân da cam gắn với phong trào thi đua của địa phương và các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động hội phù hợp với tình hình mới. 

NGUYỄN VĂN THÙY, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh