Bài học về trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:23, 26/12/2019

Vụ án MobiFone mua AVG được dư luận rất quan tâm, bởi lẽ lần đầu tiên một vụ nhận hối lộ lên tới hàng triệu USD bị đưa ra ánh sáng, hai cựu bộ trưởng cùng đứng trước vành móng ngựa.

Sáng 28.12, hội đồng xét xử sẽ tuyên án, nhưng mới qua phần xét hỏi đã cho thấy có những bài học về trách nhiệm cá nhân khi mà “bút sa gà chết”.

Thừa nhận tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng nêu, bị cáo Nguyễn Bắc Son lý giải: Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình được triển khai trong lúc MobiFone đang trong giai đoạn cải tổ, vừa chuyển từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ Thông tin và Truyền thông. MobiFone đang trong quá trình ổn định bộ máy, không thể tránh khỏi những sai sót nhất định khi triển khai dự án này.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo trong lĩnh vực doanh nghiệp, các lãnh đạo bộ không có kiến thức kinh doanh. Thêm vào đó là sự tin tưởng vào hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan tham mưu. Dự án có nhiều bộ tham gia và các bộ đều có ý kiến đồng thuận để MobiFone thực hiện dự án. Điều đó đã tạo niềm tin cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan tham mưu trong quá trình triển khai.

Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trong việc ký Quyết định 236 phê duyệt đầu tư dự án và những hậu quả xảy ra sau này, nhưng bị cáo khai do Bộ trưởng yêu cầu ký. Đáng chú ý là bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng đã giao dự án này cho Thứ trưởng (khi đó) Trương Minh Tuấn từ đầu nên việc để bị cáo Tuấn ký là hợp lý.

Nhưng bị cáo Tuấn phủ nhận, khai rằng không hề có chuyện ngay từ đầu được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giao phụ trách thực hiện dự án. Nếu không có bút phê của Bộ trưởng thì bị cáo sẽ không ký Quyết định 236, bởi bị cáo xác định đây không phải là thẩm quyền của mình, cũng không phải các lĩnh vực mà bị cáo được giao phụ trách.

Cũng liên quan đến chữ ký, bị cáo Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) được Hội đồng thành viên MobiFone giao ký bản thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng AVG. Tuy nhiên, Cao Duy Hải đã từ chối, không ký "vì còn băn khoăn". Việc ký bản thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng sau đó đã do Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son dù chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc đối với dự án mua 95% số cổ phần AVG từ khâu ra chủ trương đến việc lập dự án, đánh giá, đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông, khâu thẩm định dự án và cuối cùng là khâu quyết định thực hiện dự án có sự tham gia của rất nhiều người tại MobiFone cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tư vấn. Do đó, dự án xác định là có sai phạm thì tất cả những người tham gia ở các khâu đều có sai phạm.

Tòa án sẽ phán quyết cuối cùng với từng người nhưng một điều thấy rõ rằng nếu tất cả những người có trách nhiệm từ cán bộ tham mưu, tư vấn đến người có thẩm quyền quyết định liên quan đến dự án mua AVG làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì sai phạm khó có thể xảy ra. Một cá nhân dù là lãnh đạo cũng khó có thể làm sai như “con voi chui lọt lỗ kim” trong vụ án mua AVG nếu cấp dưới có bản lĩnh, ý thức đúng quyền và nghĩa vụ phải làm. Đừng để đến khi ra trước vành móng ngựa, cấp trên đổ cho cấp dưới, cấp dưới lại đổ do cấp trên. Và tất nhiên, cái lỗi quên mất trách nhiệm sẽ phải trả giá đắt.

Trong một bộ máy tổ chức, nếu mỗi thành viên đồng lòng thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình thì công việc sẽ rất suôn sẻ, mang lại lợi ích cho cả xã hội. Nhưng trước sai phạm, ai cũng có suy nghĩ “nhắm mắt làm ngơ”, tưởng rằng có người khác chịu trách nhiệm thay thì hậu quả thật khôn lường. Với luật pháp tiến bộ, các hình phạt luôn vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục. Ở vụ án này, phiên tòa chưa kết thúc nhưng bài học thì đã được rút ra cho tất cả mọi người.

TRẦN NGỌC TÚ