Doanh nghiệp dành hàng ngon, chất lượng cao cho thị trường nội địa

Kinh tế - Ngày đăng : 11:54, 02/01/2020

Sau nhiều năm dồn toàn lực cho xuất khẩu, không ít doanh nghiệp đã quay lại thị trường nội địa với phương châm “đưa hàng chất lượng cao nhất thế giới cho người tiêu dùng trong nước”.


Khách hàng chọn lựa vú sữa tím Sóc Trăng chuẩn xuất khẩu đi Mỹ trong một cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh

Với gần 100 triệu dân và thu nhập không ngừng tăng lên cùng với nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng ngày càng tăng, thị trường nội địa được xem là mảnh đất màu mỡ cho những nhà sản xuất cung ứng thay vì "hàng ngon dành cho xuất khẩu" như trước.

Hàng nội địa chuẩn toàn cầu

Văn phòng làm việc trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP Hồ Chí Minh) của Công ty CP Phúc Sinh cũng là một showroom trưng bày các sản phẩm chế biến từ cà phê và tiêu mà công ty này đang phát triển cho thị trường nội địa. Gần 50 chủng loại hàng từ hai sản phẩm này, với thiết kế màu sắc hiện đại và bắt mắt, đang được trưng bày tại đây cũng như trong các hệ thống bán lẻ lớn trên khắp cả nước.

Dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu từng loại sản phẩm với những đặc trưng riêng từ vùng trồng đến các tiêu chuẩn trong chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc của Phúc Sinh - khẳng định "đây là loại tiêu sấy lạnh đầu tiên trên thế giới, VN chưa có ai làm được đâu".

Ngoài ra, tại đây cũng trưng bày cà phê arabica ở vùng núi Tây Bắc, sản phẩm mà đến hơn 90% sản lượng của nhà máy mới đưa vào hoạt động đã được khách châu Âu đặt mua. "Đây là một đặc sản nên chúng tôi quyết tâm làm lớn cho thị trường nội địa" - ông Thông nói.

Theo ông Thông, tất cả các sản phẩm cà phê hay tiêu của doanh nghiệp này đều được sản xuất với chất lượng không khác gì hàng xuất khẩu đi châu Âu hay Mỹ. Theo đó, cà phê phải đạt tiêu chuẩn bền vững UTZ trong canh tác và quá trình sản xuất đạt chuẩn BRC, tiêu chuẩn toàn cầu của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC - British Retail Consortium), được Sáng kiến an toàn về thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận.

"Đơn giản vì hệ thống này chúng tôi đã đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, không có lý do gì chúng tôi chọn hàng chất lượng kém hay hạ thấp tiêu chuẩn sản xuất để ảnh hưởng đến uy tín của mình" - ông Thông nói.

Một doanh nghiệp khác cũng vừa đánh dấu việc phát triển thị trường nội địa là Vina T&T khi vừa khai trương một showroom trái cây Việt "hoành tráng" ở trung tâm quận 1. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, giám đốc Vina T&T, cho biết trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này là đơn vị xuất khẩu trái cây tươi lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường cao cấp khác như Úc, châu Âu.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất trái cây hàng đầu thế giới. "Có những người bạn biết tôi xuất khẩu trái cây đi Mỹ hỏi muốn mua ở Việt Nam thì mua ở đâu. Lúc đó tôi mới nhận thấy thị trường trong nước chưa có một thương hiệu nào chuyên về trái cây tươi sạch và đạt chuẩn cả. Đó là lý do vì sao tôi quyết định tham gia thị trường trong nước" - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, chất lượng trái cây trong nước của doanh nghiệp này cũng giống như hàng xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Úc. Vùng trồng trái cây được đầu tư, canh tác, trồng trọt và chăm sóc cẩn thận, có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chuẩn xuất khẩu HACCP, Global GAP...

"Làm hàng nội địa vất vả hơn nhiều so với xuất khẩu, mở showroom ở trung tâm quận 1 rất khó có lời nhưng tôi chấp nhận để người tiêu dùng biết dần đến những loại trái cây VN với những tiêu chuẩn cao của Mỹ hay Úc đang bán trong nước" - ông Tùng cho biết.


Gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới đã đến tay người tiêu dùng 

Vì một chuẩn "made in Việt Nam" đẳng cấp

Theo các hiệp hội ngành hàng, sau thời gian tập trung xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu quay trở lại thị trường nội địa, buộc các doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng nội địa phải nâng cao chất lượng. Với lợi thế từ nguồn tài chính tích lũy từ xuất khẩu cùng hệ thống sản xuất và quản lý chất lượng cao, sản phẩm của những doanh nghiệp này có nhiều cơ hội để mở rộng sự hiện diện tại các kênh phân phối.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas), dù Việt Nam xuất khẩu điều nhân từ đầu những năm 1990 và trở thành nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới hơn 13 năm liên tiếp vừa qua nhưng tỉ lệ tiêu thụ trong nước rất thấp. Trước năm 2014, tỉ lệ hàng chế biến sâu cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chỉ chiếm dưới 3% tổng lượng chế biến.

Nhưng vài năm gần đây, phân khúc hàng chế biến sâu đã có sự phát triển rất mạnh với việc nhiều nhà máy đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Theo đó, lượng hàng chế biến sâu cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa năm 2019 tăng trưởng khoảng 300% so với năm 2018 và lượng hàng chế biến sâu đã lên tới 15% tổng số lượng chế biến. 

"Người tiêu dùng trong nước đang biết đến và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm cao cấp như hạt điều, loại hạt mà người tiêu dùng thế giới dùng rất nhiều" - ông Giang cho hay.

Trong khi đó, theo ông Thông, trước đây các doanh nghiệp thường dành hàng ngon cho xuất khẩu do dễ kiếm tiền hơn, đỡ vất vả hơn là làm hàng nội địa. Hơn nữa, do Việt Nam còn nghèo, việc xuất khẩu nhằm đem nhiều ngoại tệ về cũng là lý do mà các doanh nghiệp dành nguồn lực tốt nhất cho xuất khẩu. 

"Nhưng đã đến lúc phải thay đổi điều đó. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, thu nhập đầu người tăng nhanh và người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm" - ông Thông khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng việc thuê mặt bằng làm showroom đặt tại trung tâm quận 1 để bán trái cây sẽ rất khó có lời nhưng công ty sẵn sàng chấp nhận để xây dựng thương hiệu với người tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, đây là nơi tiếp xúc nhiều với khách du lịch nước ngoài thường xuyên đi bộ qua. 

"Khách quốc tế sẽ có nơi để tham quan những loại trái cây đặc sản của Việt Nam và dùng thử những sản phẩm trái cây tươi Việt Nam với chất lượng cao nhất. Đó cũng là một cách quảng bá tới khách hàng nước ngoài mà chúng tôi đang nhắm tới" - ông Tùng nói.

Quá nhiều rào cản

Dù thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng theo các doanh nghiệp, việc làm hàng cho thị trường nội địa thường gặp muôn vàn khó khăn và trở ngại. Đó là rất nhiều quy định về an toàn thực phẩm mà VN đang áp dụng không phù hợp với thế giới, rủi ro về thanh toán khi các nhà bán lẻ thường trả chậm từ 45-60 ngày, hay hiện tượng nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý với doanh nghiệp làm hàng nội địa là cao hơn nhiều so với doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong một hội thảo mới đây, ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25 vừa được vinh danh cho ra hạt gạo ngon nhất thế giới - cho biết chính sách thuế đang làm khó doanh nghiệp làm thương hiệu cao cấp cho nội địa. Với mặt hàng gạo, nếu bán hàng xá không rõ nguồn gốc, bao bì nhãn mác sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nhưng nếu doanh nghiệp đầu tư làm thương hiệu, bao bì với đầy đủ thông tin sẽ phải chịu 5% VAT.

Theo Tuổi trẻ