Để đảo Cò thêm hấp dẫn
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:27, 10/01/2020
Bờ đá bị vá vì bung sắt
Thời gian qua, đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) được đầu tư lớn. Các cơ quan chức năng và địa phương đã cạp xong bờ chống lở ở 2 đảo cũ và hình thành thêm 1 đảo mới. Cây cối cũng đã được trồng thêm đa dạng hơn trước. Quy mô hàng quán phục vụ khách tham quan cũng được mở rộng. Đội thuyền chở du khách được củng cố. Hiện nay, ở đây đã có thêm 5 thuyền gắn máy chạy bằng ắc quy rất êm, không ảnh hưởng đến cò, vạc. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập sau đây cần khắc phục để đảo Cò thêm hấp dẫn và phát triển bền vững.
Những ngày gần đây, khách đến tham quan đi thuyền quanh đảo không thấy cò vạc nhiều như xưa. Phải đợi chiều tối mới thấy cò về. Trong khi khách đến tham quan chủ yếu vào ban ngày, khó có thể đợi đến chiều tối để chiêm ngưỡng đàn cò trở về. Ban Quản lý đảo Cò giải thích rằng chúng phải đi kiếm ăn xa nên tối mới kịp về. Vậy sao không dành dăm mẫu ruộng quanh đảo Cò cho tôm, tép, các loài ấu trùng, côn trùng... phát triển làm thức ăn tại chỗ cho chúng, để giữ chúng ngay ở đảo. Khách tham quan có thể thấy được chúng kiếm ăn, sinh sống thế nào. Điều này càng cần cho thời kỳ sinh đẻ và nuôi con vì khi đó chúng phải kiếm mồi nuôi con tới cả chục lần mỗi ngày. Nếu không, cò non sẽ bị bỏ đói, thậm chí bị chết. Điều này các nhà khoa học đã đề xuất từ lâu nhưng địa phương vẫn chưa chú ý thực hiện.
Bờ đảo cạp bằng 3 lớp rọ đá rất nặng nhưng không bền. Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã từng tổ chức một hội thảo nêu rõ dùng rọ đá không thích hợp vì khi gỉ, kẽm sẽ tan ra làm chết các sinh vật nổi ở lớp trên mặt hồ. Hiện tại, rọ sắt mới sử dụng được một năm mà đã han gỉ. Không ít chỗ đã phải dùng các tấm sắt để vá vào. Tại sao không dùng xi măng đổ trên mặt và trát ở mặt ngoài để liên kết các hòn đá với nhau vì chẳng bao lâu khi lưới sắt bị gỉ, rọ đá vỡ ra thì bờ đá viền chung quanh đảo nhờ xi măng kết dính vẫn tồn tại được.
Lớp vỏ đá đồ sộ quanh đảo làm cho đàn cò vạc ban ngày trông thấy không dám bay về. Cần che phủ bờ đá đồ sộ này bằng cỏ và cây xanh. Ở đảo Cò đã trồng thử cây trứng cá thấy chúng mọc nhanh và xanh lá quanh năm. Tán cây này sẽ phủ xanh bờ đá còn rễ thì ăn sâu vào rọ đá, liên kết các khối đá lại với nhau. Sức sống của cây trứng cá rất mãnh liệt. Cây trứng cá lại có nhiều chà chạnh nếu cò vạc làm tổ được trên cây thì tốt.
Gần đây, nhiều nhà hàng mọc lên sát gần bờ hồ, ngay cạnh đảo Cò. Điều này trái với quy định trước đây là các nhà phải làm xa đảo khoảng 200 m. Bài học ở thôn Bồng Lai (xã Ninh Hải, Ninh Giang) cò vạc cũng về sinh sống ở một đảo giữa hồ trong xã. Nhưng xung quanh lại là những nhà hàng thắp đèn sáng rực ban đêm và mở nhạc suốt ngày khiến cò vạc bỏ đi, không về lại nữa.
Việc quảng bá du lịch ở đảo Cò còn hạn chế. Ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chỉ có một con suối nhỏ và một hang đá có cá thần mà họ quảng bá du lịch rất tốt, làm khách các nơi đến đông như hội. Còn ở đây có tới chục loài cò vạc, lại có số lượng đến hàng nghìn cá thể và nhiều động vật quý hiếm khác nữa mà số người biết đến còn quá ít. Vì vậy, tại các lối rẽ vào đảo Cò và các trục đường khác nên có thêm nhiều biển hiệu giới thiệu, chỉ dẫn bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh để du khách biết đến và muốn về thăm đảo Cò. Ngoài ra, Ban quản lý đảo Cò nên in trên vé tham quan lô gô và hình ảnh đảo Cò, có thể làm cả tờ rơi để phát cho các đoàn tham quan biết thêm về nơi đây. Ngoài ra cần quảng cáo trên internet...
Cuối cùng, nên lấy ngày 8.7, ngày đảo Cò được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia để mở hội. Cách làm này sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách về với nơi đây. Trong lễ hội còn có thể tổ chức các trò chơi để du khách tham dự và mua sắm các đặc sản của địa phương. Đây cũng là một cách quảng bá các giá trị của đảo Cò tới cộng đồng.
NGUYỄN VĂN KHANG(TP Hải Dương)