Ăn trái cây khô có tốt?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 20:29, 13/01/2020
Trái cây khô gần như đã loại bỏ toàn bộ hàm lượng nước bằng cách sấy hoặc phơi khô. Trong quá trình đó, trái cây teo lại và chứa nhiều năng lượng hơn.
Các loại hoa quả khô phổ biến bao gồm nho khô, mận sấy, mơ sấy..., đôi khi ở dạng bọc đường như xoài, dứa, chuối, quất, táo... thường được sử dụng trong ngày Tết.
Lợi ích
Trái cây khô có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, xơ và chất chống oxy hóa.
Tùy theo trọng lượng, hoa quả sấy chứa 3,5 lần vitamin và khoáng chất so với trái cây tươi. Miếng hoa quả khô nhỏ cũng cung cấp đủ tỷ lệ dinh dưỡng được khuyến nghị hàng ngày, theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học Mỹ (NCBI).
Trái cây khô có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, xơ và chất chống oxy hóa. Ảnh: 123RF |
Cũng theo phân tích của NCBI, một số loại quả chứa lượng lớn chất chống oxy hóa polyphenol, dưỡng chất thường được tìm thấy trong đậu, trà xanh... có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, làm giảm sự tổn thương của tế bào và nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu của NCBI công bố năm 2013 cho thấy nho khô có thể ngăn ngừa bệnh huyết áp, tiêu viêm, giảm cholesterol, tăng cảm giác no, giảm lượng đường trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong khi đó, mận khô là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giàu chất xơ, kali, beta-carotene (vitamin A) và vitamin K. Ăn mận khô giúp trị bệnh táo bón, ức chế quá trình oxy hóa cholesterol LDL có hại cho sức khỏe, từ đó ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư. Khoáng chất boron có trong loại quả này có tác dụng chống loãng xương.
Chà là khô có vị ngọt tự nhiên nhưng không gây ra vấn đề về đường huyết. Đây là nguồn chất xơ, kali, sắt và một số hợp chất hữu cơ khác. Nghiên cứu của NCBI chỉ ra rằng, phụ nữ ăn chà là vào tuần cuối của thai kỳ có thể tạo điều kiện cho tử cung giãn nở và giảm các cơn chuyển dạ giả, ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa và ổn định lượng đường trong máu.
Tác hại
Bên cạnh các loại quả có vị ngọt tự nhiên, nhiều loại trái cây khô được bọc đường hoặc siro trước khi đem sấy. Các nhà khoa học từ NCBI cho rằng lượng đường này là dư thừa và có hại đối với sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, thậm chí ung thư.
Một số nhà sản xuất thêm các phụ gia, trong đó có sulfites vào hoa quả khô để bảo quản, ngăn ngừa đổi màu và giúp trái cây trông hấp dẫn hơn. Trên thực tế, sulfites là chất được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm ăn liền.
Một số loại quả khô được bọc đường để tăng thêm vị ngọt. Ảnh: Mama Veggie |
Khoảng 2% dân số thế giới có biểu hiện dị ứng hoặc nhạy cảm với sulfites. Tỷ lệ cao hơn ở những người bị hen suyễn. Triệu chứng kích ứng bao gồm co thắt dạ dày, phát ban ở da, khó thở...
Để tránh ăn phải sulfites, nên chọn hoa quả khô có màu nâu hoặc xám như táo tàu, nho khô... thay vì loại quả sáng màu.
Trái cây được bảo quản và xử lý không đúng cách có khả năng nhiễm nấm, mốc aflatoxin và các hợp chất độc hại khác.
Một số loại quả sấy chứa lượng calo rất cao, giàu carbohydrate, ảnh hưởng đến chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt của nhiều người, gây ra tình trạng tăng cân, béo phì.
Chính vì vậy, chuyên gia khuyến cáo chỉ nên ăn một lượng nhỏ trái cây khô và sử dụng thêm thực phẩm bổ sung khác.
Theo VnExpress