Vui lắm những bữa cơm không rượu
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:44, 23/01/2020
Bữa cơm không rượu bia giúp sức khỏe mọi người tốt hơn
Bởi lẽ, chúng ta đã quá quen, quen nhiều năm với tập tục đã ăn là có uống. Mâm cỗ từ lớn đến nhỏ, từ món nhiều hay ít món, từ thành phố hay nông thôn tất nhiên đều phải có bia và rượu. "Ăn nhậu" nghĩa là đã ăn là phải uống đã ăn sâu, bén rễ vào tư duy, thói quen của rất rất nhiều người, nhiều thế hệ.
Tôi đã từng gặp nhiều bạn người nước ngoài khi họ đi ăn ở nhà hàng mà không uống rượu bia, thậm chí không đồ uống có ga. Tôi thậm chí không thể hiểu các bạn ăn không uống có ngon không, có vui không? Nhưng tôi đã thấy các bạn thường ăn trong không khí rất nhẹ nhàng, không huyên náo, ồn ào như chúng ta thường thấy ở những tiệc nhậu thâu đêm suốt sáng của không ít người Việt mình.
Bây giờ, khi thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ với các mức phạt nặng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tôi thấy hóa ra việc ăn mà không uống có thể thực hiện tốt. Dù còn có người hiểu chưa rõ về Nghị định 100 nhưng tâm lý chung là mọi người đã bắt đầu biết "sợ" bị phạt vì rượu bia. Đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, đám cưới, tiệc không còn bày bia, rượu trên bàn tiệc. Thực tế là nhiều nhà hàng, quán bia đã bắt đầu ế ẩm vì vắng khách. Nhiều "dân nhậu" đã không còn dám đi xe máy, ô tô khi đi ăn uống...
Tín hiệu rất vui là chỉ trong 2 tuần triển khai thực hiện Nghị định 100, so với 2 tuần trước đó, cả nước đã giảm 31 vụ tai nạn giao thông (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.
"Bữa cơm có rượu" hẳn còn là nỗi ám ảnh của không ít gia đình. Tôi có người bạn từ thời cùng học phổ thông đến giờ vẫn sợ những bữa ăn gia đình vì bố cô là người nát rượu. Ngày bé, mỗi bữa cơm, cứ sau khi uống một vài chén rượu là ông chửi mẹ con cô. Không ít trận đòn roi, đánh cãi ầm ĩ đều bắt nguồn từ bữa cơm có rượu. Dù sau này, kể cả khi sức khỏe yếu, ông nghỉ làm nhưng vẫn uống rượu và vẫn ầm ĩ mắng chửi con hằng ngày. Và không chỉ một mà đã có quá nhiều gia đình tan nát, rơi vào bi kịch chỉ vì hậu quả của rượu bia.
Chắc chắn không chỉ có tôi, cô bạn tôi mà có rất nhiều người đang phấn khởi, hy vọng vào tác dụng của Nghị định 100 để có những bữa cơm đúng nghĩa quây quần, ấm cúng. Vẫn biết thói quen, hoặc với nhiều người thậm chí là chứng nghiện bia, rượu thì không dễ từ bỏ. Nhưng chắc chắn, với số đông, Nghị định 100 sẽ tạo thành thói quen, thành nếp sống tích cực, chuyển hóa thành những kết quả to lớn cho xã hội mà không dễ đo đếm được.
THU LINH