Làm gì khi phát hiện người nhiễm virus corona?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:32, 26/01/2020

Theo Bộ Y tế, nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải lập tức tổ chức cách ly, quản lý kịp thời, có phương án đáp ứng phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp WHO cập nhật tình hình dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan này đang triển khai kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp theo các tình huống dịch.

Quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm của người nghi ngờ mắc virus corona được tiến hành như sau:

Mẫu bệnh phẩm


Bệnh phẩm nghi nhiễm nCoV phải được thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về an toàn sinh học. Bệnh phẩm thu thập bao gồm ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm gồm một mẫu bệnh phẩm đường hô hấp và một mẫu máu trong số các loại mẫu dưới đây:

- Bệnh phẩm đường hô hấp trên: Dịch tỵ hầu và dịch họng; dịch súc họng.

- Bệnh phẩm đường hô hấp dưới: Đờm; dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi; tổ chức phổi, phế quản, phế nang.

- Mẫu máu toàn phần (3-5 ml): Mẫu máu giai đoạn cấp; mẫu máu giai đoạn hồi phục (sau 14-21 ngày sau khi khởi bệnh).

Lam gi de phat hien nguoi nhiem virus corona? hinh anh 1 1.jpg

Một trong hai người Trung Quốc (trái) đang được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trương Khởi

Thời điểm thu thập bệnh phẩm


- Bệnh phẩm đường hô hấp trên: Tại ngày 0 đến ngày 7 sau khi khởi bệnh.

- Bệnh phẩm đường hô hấp dưới: Tại ngày 0 đến ngày 14 sau khi khởi bệnh.

- Mẫu máu giai đoạn cấp: Tại ngày 0 đến ngày 7 sau khi khởi bệnh.

- Mẫu máu giai đoạn hồi phục: Tại ngày 14, 21 sau khi khởi bệnh.

- Tổ chức phổ, phế nang: Trong trường hợp có chỉ định.

Phương pháp thu thập bệnh phẩm


Dịch tỵ hầu và dịch họng sử dụng 2 tăm bông cho 2 loại bệnh phẩm. Lấy đồng thời dịch ngoáy họng và ngoáy mũi của bệnh nhân.

Bảo quản mẫu trong điều kiện 2-8 độ C trước khi chuyển về phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, phải được bảo quản trong âm 70 độ C và sau đó giữ đông trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Bệnh nhân tiếp tục được súc họng với 10 ml dung dịch rửa (nước muối sinh lý). Dịch súc họng được thu thập vào cốc hoặc đĩa petri và pha loãng theo tỷ lệ 1:2 trong môi trường bảo quản virus.

Bệnh nhân khi đang thở máy, được đặt nội khí quản, dùng một ống hút dịch, đặt theo đường nội khí quản và sử dụng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt. Cho dịch nội khí quản vào tuýp chứa môi trường bảo quản virus.

Bệnh nhân được lấy mẫu máu bằng cách sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy 3-5 ml máu tĩnh mạch, chuyển vào tuýp chứa (có chất chống đông EDTA đối với mẫu máu toàn phần), bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong 24 giờ.

Toàn bộ trang phục bảo hộ được cho vào một túi nylon chuyên dụng dùng cho rác thải y tế có khả năng chịu được nhiệt độ cao, cùng với các dụng cụ bẩn. Buộc chặt và sấy ướt tại nhiệt độ 120 độ C/30 phút trước khi loại bỏ cùng với rác thải y tế khác hoặc có thể đốt tại lò rác bệnh viện tuyến huyện.

Rửa tay xà phòng và tẩy trùng bằng chloramin 0,1% toàn bộ các dụng cụ và khu vực lấy mẫu; phích lạnh dùng cho vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm.

Lam gi de phat hien nguoi nhiem virus corona? hinh anh 2 kou.jpg

Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải lập tức tổ chức cách ly, quản lý kịp thời, có phương án đáp ứng phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh. Đồ họa: Minh Hồng

Bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm


Bảo quản

Bệnh phẩm sau khi thu thập được chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất:

- Bệnh phẩm được bảo quản tại 2-8 độ C và chuyển tới phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo không quá 48 giờ sau khi thu thập.

- Bệnh phẩm được bảo quản ngay tại -70 độ C trong trường hợp thời gian dự kiến chuyển đến phòng xét nghiệm chậm hơn 48 giờ sau khi thu thập.

- Không bảo quản bệnh phẩm tại ngăn đá của tủ lạnh hoặc -20 độ C.

- Bệnh phẩm máu toàn phần có thể bảo quản tại 2-8 độ C trong 5 ngày.

Đóng gói bệnh phẩm

Bệnh phẩm khi vận chuyển phải được đóng gói kỹ trong 3 lớp bảo vệ, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.

- Siết chặt nắp tuýp bệnh phẩm, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có), bọc từng tuýp bệnh phẩm bằng giấy thấm.

- Đưa tuýp vào túi vận chuyển (hoặc lọ có nắp kín).

- Bọc ra ngoài các túi bệnh phẩm bằng giấy thấm hoặc bông thấm nước có chứa chất tẩy trùng (cloramine B ...), đặt gói bệnh phẩm vào túi nylon thứ 2, buộc chặt.

- Các phiếu thu thập bệnh phẩm được đóng gói chung vào túi nylon cuối cùng, buộc chặt, chuyển vào phích lạnh, bên ngoài có vẽ các logo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (logo: bệnh phẩm sinh học, không được lộn ngược) khi vận chuyển.

Sau đó, các mẫu bệnh phẩm này được vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Các đơn vị tiếp nhận bệnh phẩm: Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Bắc; Phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Nam và Tây Nguyên; Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực Tây Nguyên; Phòng xét nghiệm Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Trung.

Đơn vị thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm: Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Bắc; Phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Nam và Tây Nguyên; Phòng xét nghiệm Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Trung.

Theo diễn biến của dịch bệnh nCoV và năng lực xét nghiệm của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ xem xét mở rộng các điểm tiếp nhận bệnh phẩm khi cần thiết.

Theo Zing.vn