Thị trường hàng hoá sau Tết phong phú

Thị trường - Ngày đăng : 17:26, 30/01/2020

Những ngày sau Tết Canh Tý, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.


Nguồn cung thực phẩm sau Tết khá dồi dào

Rau củ tăng giá

Từ sáng mùng 2 Tết, nhiều chợ và một số siêu thị trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân. Bán nhiều sau Tết chủ yếu là thực phẩm tươi sống gồm các loại thịt, cá, tôm, hải sản và rau, củ quả... Do rét kéo dài, lại thêm ảnh hưởng của trận mưa lớn ngày mùng 1 Tết nên các loại rau xanh, củ quả bán tại các chợ chưa nhiều, giá tăng cao so với trước Tết.

Bà Nguyễn Thị Sáu ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) chia sẻ, các mặt hàng bày bán sau Tết khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, ngày mùng 2 Tết, giá rau xanh và củ quả năm nay tăng mạnh. Giá bán này tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước Tết. Giá thịt trâu, bò, bê và các loại cá cũng tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. "Tại chợ thị trấn, giá thịt bò từ 280.000 - 320.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với trước Tết; thịt bê từ 250.000 - 280.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; cá trắm, cá chép từ 70.000 - 90.000 đồng/kg...", bà Sáu cho biết.

Ở một số chợ như Thanh Bình, Đông Ngô Quyền, Bắc Kinh (TP Hải Dương), chợ Cháy (Thanh Hà), chợ Yên, Đấm (Tứ Kỳ), chợ thị trấn Nam Sách... giá rau, củ trong ngày mùng 2 Tết cũng tăng mạnh. Các loại thịt, cá tăng khoảng 20 - 30% so với trước Tết.

Tuy nhiên từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, giá các loại rau xanh, thịt, cá đã dần ổn định trở lại, giảm so với ngày mùng 2 Tết nhưng vẫn đắt hơn ngày thường từ 3-5%. Hiện tại, giá thịt lợn ngon từ 140.000-150.000 đồng/kg; thịt bò từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, cá chép từ 55.000 - 60.000 đồng/ kg. Các loại rau khá dồi dào, giá hợp lý. Giá cải bắp từ 5.000-8.000 đồng/cái, su hào 4.000-5.000 đồng/củ, các loại rau xanh từ 5.000 - 8.000 đồng/mớ.

Bà Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương bán rau tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Trời mưa rét nên ai cũng ngại ra đồng. Mấy mối hàng của tôi đều thông báo không có hàng cho ngày mùng 2. Tuy nhiên, những ngày sau đó thời tiết tốt hơn nên người dân đã ra đồng thu hoạch rau, nguồn cung phong phú, tiểu thương chúng tôi cũng đi chợ nhiều hơn. Từ ngày mùng 4 Tết, các mặt hàng đã dồi dào trở lại".

Nhu cầu tăng cao

Sau Tết, thực phẩm tươi sống và rau xanh được tiêu thụ mạnh, đặc biệt là thực phẩm phục vụ các món lẩu như hải sản, thịt bò, cá, đậu phụ và rau xanh. Một số mặt hàng đồ uống, bánh kẹo tiêu thụ chậm.

Sáng mùng 5 Tết đi chợ, chị Lương Thị Khuyên ở phố Hàn Trung (TP Hải Dương) chọn mua cá, đậu và rau xanh cho bữa cơm gia đình. Chị Khuyên chia sẻ: "Mấy ngày qua ngày nào cũng cỗ bàn ăn nhiều thịt nên tôi muốn đổi món. Những món này không nhiều dầu mỡ dễ ăn, dễ hấp thụ". Ngay khi mới mở bán trở lại, cửa hàng hải sản Phương Bống trong chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) đã nhận được nhiều đơn hàng. Chị Phương, chủ cửa hàng cho biết: “Ngay sau Tết, tôi đã nhận được nhiều đơn đặt các loại hải sản tươi sống. Sáng mùng 5 Tết khi chúng tôi mở bán, khách đến lấy hàng nườm nượp”. Giá một số loại hải sản tươi sống như tôm sú, cua, cá song đắt hơn khoảng 20% so với trước Tết. Hiện nay, giá tôm thường từ 300.000 - 330.000 đồng/kg; tôm sú từ 600.000 - 620.000 đồng/ kg; cua biển từ 550.000 - 600.000 đồng/kg. Các loại hải sản khô vẫn giữ giá ổn định như trước Tết.

Từ 10 giờ sáng mùng 2 Tết, siêu thị Big C đã mở cửa đón khách. Theo đại diện siêu thị này, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, trung bình mỗi ngày đơn vị đón từ 2.000 - 3.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ra Tết, các mặt hàng đồ chơi trẻ em, thời trang bán chạy. Thực phẩm tươi sống, rau xanh cũng được tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày siêu thị tiêu thụ khoảng 500 kg rau xanh các loại. Giá các loại mặt hàng được duy trì ổn định, không tăng so với trước Tết. Trong ngày mùng 4 Tết, ngày đầu tiên mở bán trở lại siêu thị Intimex Hải Dương đã đón khoảng 700 lượt khách hàng, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều chủ yếu là hàng ăn sẵn như xúc xích, thịt xông khói, sữa chua, các loại đồ đã được sơ chế để nấu canh...

Theo đánh giá của Sở Công thương, sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tăng từ 17-19% so với Tết Kỷ Hợi 2019. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá cả hàng hóa trong Tết cơ bản ổn định. Tuy nhiên do thiếu nguồn cung lợn thịt và tác động của Luật Phòng chống tác hại rượu bia nên giá thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ, sức tiêu thụ bia rượu giảm trong dịp Tết. Giá rau xanh tăng, thực phẩm tươi sống tăng ngay sau Tết do tính chất tươi sống, khó vận chuyển, bảo quản và thời tiết mưa lạnh.

NGỌC LAN