"Bệnh dịch" internet
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:22, 01/02/2020
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa trôi qua với nỗi lo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 15 giờ 30 ngày 30.1, nước ta có 5 trường hợp dương tính với virus Corona, trong đó có 2 người Trung Quốc và 3công dân Việt Nam.
Ngoài ra, có 97người nghi ngờ nhiễm virus này thì 65 người đã xét nghiệm có kết quả âm tính, 32 người đang được theo dõi chặt chẽ. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát với sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Nhưng bên cạnh đó xuất hiện một loại "bệnh dịch" đang lan truyền mạnh mẽ không phải qua tiếp xúc trực tiếp mà qua internet. Đó là dịch đưa thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng một cách giật gân, câu khách về cúm Corona trên mạng xã hội.
Ngay từ những ngày trước Tết, khi dịch cúm Corona bắt đầu theo dòng người Trung Quốc hồi hương, đi du lịch dịp nghỉ lễ lan rộng, trên nhiều trang Facebook cá nhân ở Việt Nam đã xuất hiện những thông tin gây sốc về tình hình dịch bệnh như số lượng người bị nhiễm virus, số người chết.
Một số người đưa tin “chắc như đinh đóng cột” là ở các tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng… đã có người nhiễm bệnh, thậm chí tử vong. Những thông tin này sau đó đều bị phát giác là tin giả, kể cả những video được cho là quay tại Vũ Hán cũng không đúng sự thật. Bên cạnh đó còn có một loại tin giả nữa là những cách phòng bệnh cúm Corona bằng các sản phẩm trôi nổi, chưa có bất cứ cơ quan y tế nào xác nhận có khả năng phòng chống virus Corona...
Những người đăng, chia sẻ lại những thông tin giả, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội thuộc 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những người bán hàng online, đăng tin với mục đích câu view, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người để bán hàng. Nhiều người bán hàng còn lợi dụng dịch bệnh để hù dọa khách hàng nhằm bán được những mặt hàng liên quan như khẩu trang, thực phẩm nâng cao sức khỏe…
Nhóm thứ hai là những người có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước, đưa tin giả nhằm xuyên tạc sự thật, cho rằng các cơ quan chức năng đang che giấu dịch bệnh. Nhóm thứ ba là những người thiếu hiểu biết, tin rằng đó là thông tin thật nên chia sẻ để nhiều người cùng biết, đồng thời cũng thu hút sự chú ý, xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội là người “có trách nhiệm với cộng đồng”.
Tuy mục đích khác nhau nhưng cả ba nhóm kể trên đều đã tiếp tay để những thông tin không đúng sự thật lan tràn trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt và đơn giản hơn việc lây virus Corona từ người này sang người khác rất nhiều. Và hậu quả của "bệnh dịch" này cũng rất nguy hiểm. Nó gây ra sự hoang mang, lo lắng cho một bộ phận người dân.
Trong dịp Tết nhiều người đã tính đến việc không cho con quay lại trường học ngay sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Một số người tin vào tin giả nên có thái độ bất bình với cách xử lý của các cơ quan chức năng. Những sự hoang mang, lo lắng không dựa trên sự thật dễ dẫn tới trạng thái hoảng loạn, mất niềm tin, luôn nghi ngờ mọi thứ. Khi trạng thái này trở thành tâm lý chung của đám đông thì sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Và nhiều người không mắc bệnh vì virus mà lại rước thêm bệnh vào người vì những thông tin thất thiệt.
Một số người đưa tin giả về dịch cúm Corona lên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng triệu tập để xử lý theo quy định. Để bảo vệ bản thân và cộng đồng, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống cả dịch cúm lẫn "bệnh dịch" internet. Người dùng mạng nên vào website của Bộ Y tế, các trang báo chính thống để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Không chia sẻ những thông tin trôi nổi không rõ nguồn gốc. Thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của ngành y tế về cách phòng tránh bệnh cho mình và người thân, đặc biệt là trẻ em. Thu nhận thông tin một cách tỉnh táo, chính xác sẽ góp phần giúp chúng ta xây dựng bức tường phòng chống dịch vững chắc và hiệu quả.
THÁI HÒA