"Thuốc" mạnh trị tin thất thiệt

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:01, 13/02/2020

Tăng mức xử phạt hành chính là liều thuốc mạnh chống việc lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội có mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Nghị định mới do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hôm 3.2 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15.4 năm nay. Quy định mới này được nhiều người quan tâm trong bối cảnh rất nhiều tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận đang tràn lan, nhất là thông tin về dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV).

So với quy định hiện hành, mức xử lý đối với hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội... tăng mạnh.

Cụ thể, mức phạt hiện nay cho hành vi này từ 20-30 triệu đồng, trong khi theo Nghị định mới là từ 20 -70 triệu đồng. Nghị định cũng quy định rõ, việc lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, gây hoang mang trong nhân dân... sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Thời gian qua, dịch bệnh do nCoV thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Cùng với đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế và chính quyền các cấp, người dùng mạng xã hội còn phải đối mặt với các tin giả, tin chưa được kiểm chứng lây lan nhanh không kém virus trên mạng. Ngay tại Hải Dương, đến ngày 9.2 đã có 11 đối tượng bị cơ quan công an triệu tập liên quan đến việc chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh do nCoV. Trong nước, nhiều trường hợp đã bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng vì hành vi này.

Có nhiều lý do để các đối tượng lan truyền thông tin sai sự thật. Có thể là cố tình đưa vì mục đích gây sự chú ý, thu hút tương tác của người dùng mạng xã hội hoặc để kích động, phá hoại Đảng, Nhà nước. Cũng có khi lan truyền tin giả chỉ do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa, xử lý việc đưa tin giả lại không đơn giản.

Không giống như người bệnh được phát hiện nhờ các triệu chứng lâm sàng, rất khó xác định tin giả, tin thất thiệt bởi thông tin được đưa ra thường thật giả lẫn lộn. Chỉ cần một vài cú nhấp chuột, thông tin đã được chia sẻ rộng rãi nên việc truy tìm kẻ khơi mào cũng không dễ dàng.

Theo quy định hiện hành, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và vô tuyến điện thuộc thẩm quyền của thanh tra viên, Chánh Thanh tra và người được giao thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông; Chủ tịch UBND các cấp; công an nhân dân; bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. Tùy theo mức tiền phạt mà phân cấp thẩm quyền xử lý. 

Trong quy định của Nghị định mới, việc phân cấp thẩm quyền xử lý được thực hiện theo từng điều, từng mức vi phạm nên trách nhiệm của từng cơ quan cũng rõ hơn.

Vấn đề là vi phạm nhiều song ai là người giám sát, phát hiện? Nếu báo chí, người dân không báo; cơ quan chức năng không lên tiếng về việc thông tin đã đưa là chưa chính xác thì lực lượng có trách nhiệm xử phạt hành chính có chủ động theo dõi thông tin trên mạng xã hội để phát hiện vi phạm và xử lý hay không? 

Tăng mức xử phạt hành chính là liều thuốc mạnh chống việc lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Song để tin giả, tin thất thiệt không còn đất sống, điều quan trọng là người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, không tin, không "thích", "chia sẻ" các thông tin chưa rõ ràng, thông tin từ những nguồn không chính thống.

HOÀI ANH