Hỗ trợ nhưng đừng làm khó

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:29, 18/02/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm để xin góp ý rộng rãi.

Trong bối cảnh ngành sư phạm không còn nhiều hấp dẫn đối với học sinh, ngay từ khâu tuyển sinh, nghị định này được hy vọng sẽ là một trong những giải pháp cải thiện tình trạng đó.

Việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt sẽ thu hút thêm nhiều học sinh quan tâm lựa chọn ngành sư phạm, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước đây, HSSV sư phạm được miễn đóng học phí, các trường sư phạm được cấp bù kinh phí đào tạo nhưng thường thấp hơn mức đầu tư cần thiết của nhà trường. Với chính sách trên, các cơ sở đào tạo giáo viên được chủ động xác định giá dịch vụ đào tạo của mình và HSSV sư phạm được hỗ trợ tiền để đóng học phí theo mức giá này, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn còn những bất cập mà nếu không quy định rõ, có những giải pháp cụ thể, hợp lý sẽ gây khó khăn trong thực hiện cho HSSV sư phạm, các địa phương cũng như ngành giáo dục nói chung.

Theo dự thảo nghị định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đặt hàng đào tạo HSSV sư phạm cho địa phương mình và sẽ là nơi cấp kinh phí đào tạo giáo viên.

Điều này có thể dẫn đến việc các địa phương chỉ ưu tiên đặt hàng tại các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu cho các trường công lập do địa phương quản lý. Vì thế có thể sẽ không bảo đảm nhu cầu giáo viên cho các trường ngoài công lập và các trường công lập đóng ở địa phương nhưng không do tỉnh quản lý.

HSSV sư phạm sau khi ra trường nếu không làm việc trong ngành sư phạm hoặc làm việc không đủ thời gian quy định sẽ phải đền bù tiền hỗ trợ. Điều này chỉ hợp lý với những người có cơ hội nhưng không công tác trong ngành, còn nếu họ không thể xin được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà phải đền bù tiền là không hợp lý.

Trên thực tế, việc thu hồi kinh phí hỗ trợ đào tạo diện học bổng ở nhiều nơi đã và đang gặp khó khăn. Đây là “vết xe đổ” dễ bị lặp lại nếu không có phương án giám sát chặt chẽ.

Dự thảo cũng chưa có quy định cụ thể cho nhóm đối tượng HSSV sư phạm được địa phương này hỗ trợ nhưng lại công tác trong ngành sư phạm tại địa phương khác thì có phải đền bù kinh phí hay không.

Học sinh muốn học sư phạm không muốn nhận hỗ trợ để được tự do xin việc sau khi tốt nghiệp thì có được không? Những câu trả lời cho các câu hỏi này cần được tính đến, tránh lúng túng trong thực hiện sau này.

Để việc đặt hàng đào tạo giáo viên đáp ứng được nhu cầu của tất cả các cơ sở giáo dục, dự thảo nên mở rộng thêm nhóm cơ quan đặt hàng, gồm cả các bộ, ban, ngành Trung ương. Cần có cơ quan chức năng nhận nhiệm vụ tính toán nhu cầu nhân lực ngành giáo dục để đặt hàng đào tạo phù hợp, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu giáo viên; đồng thời bảo đảm HSSV sư phạm sau khi tốt nghiệp có việc làm trong ngành.

Bố trí được công việc sẽ là yếu tố hấp dẫn nhất thu hút đông đảo thí sinh quan tâm tới nghề giáo viên và giúp quy định về đền bù kinh phí đào tạo hợp lý, dễ thực hiện hơn.

THÁI HÒA