Phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam bị tố đạo ''Diên hy công lược''

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 10:04, 18/02/2020

Blogger có tài khoản "Kim Ngư Cơ đợi gió" đăng loạt ảnh so sánh trang phục, bối cảnh của "Phượng khấu" với "Diên hy công lược" bằng giọng gay gắt.

Blogger này mô tả Phượng Khấubằng ngôn từ nặng tính dè bỉu như "kiệt tác đạo phẩm", "phiên bản sao chép thấp kém"... và hoàn toàn không có gì là bản sắc văn hóa của Việt Nam.

"Chỉ một đoạn trailer của Phượng khấu cũng có thể thấy sự đạo nhái rẻ tiền phim cung đình thời Thanh, đạo Diên hy công lược một cách triệt để, hoàn toàn không thấy chút gì truyền thống của Việt Nam. Từ phục trang, bối cảnh phim đến âm nhạc đều sao chép y nguyên Diên hy công lược. Đã đạo nhái mà còn không ra hồn, từ trang phục màu Morandi sang trọng bỗng chốc biến thành cái màu bùn đất nhà quê, rẻ tiền", tài khoản này trình bày cùng loạt ảnh so sánh trang phục, bối cảnh hai bộ phim.

Loạt so sánh mà blogger xứ Trung đưa ra:





Đáng lưu ý, blogger "Kim Ngư Cơ đợi gió" chỉ trích gay gắt: "Suốt ngày chỉ sao chép tác phẩm Trung Quốc? Thế có dám tách khỏi tác phẩm Trung Quốc và trang phục mua trên Taobao (trang mua hàng điện tử của Trung Quốc - PV) để tự mình làm không? Hô hào trong nước thì cũng cho qua đi nhưng đạo nhái thấp kém như thế mà "thủy quân" bên ấy (từ chỉ nhóm người dùng mạng được thuê để bình luận không trung thực - PV) vẫn còn mặt mũi sang đây tỏ vẻ à?".

Trước đây, cũng chính tài khoản này từng tố ekip Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng đạo nhái ý tưởng, trang phục của tiểu thuyết mạng Trung Quốc để làm MV Tự tâm, Canh ba. Blogger này luôn cho rằng ekip của của Nguyễn Trần Trung Quân tự mua "thủy quân" khen ngợi các sản phẩm của mình trên Weibo. 


So sánh khó hiểu giữa Cố Cung Bắc Kinh và Đại nội Huế

Không chỉ bị tố đạo Diên hy công lược, Phượng khấu cũng bị so sánh với Như Ý truyện, Chân Hoàn truyện. Một tài khoản khác có tên Bạo Mễ Hoa Q Tiên Sâm tiếp tục so sánh hai bộ phim để kết luận rằng Phượng khấu là "Như Ý truyện phiên bản Việt", "nỗ lực đưa Như Ý lên màn ảnh Việt"...

"Đạo diễn bộ phim Việt Nam này là người hâm mộ Như Ý truyện và Chân Hoàn truyện chăng?", tài khoản này mỉa mai. 

Những bài đăng nói trên thu hút rất nhiều bình luận về phim Việt cũng như "thực trạng phim Việt đạo nhái phim Trung".

Loạt ảnh ghép hầu như không có gì tương đồng:




Thông tin trên khiến nhiều diễn đàn Việt "nóng" vì tranh cãi. Khán giả Việt bức xúc khi phim trong nước bị so sánh, chế giễu vô lý. Bạn Nguyễn Ngọc Duy viết: "Thật nực cười khi kẻ đạo nhái lại đi tố người khác đạo nhái".

Bạn Lê Ngọc bình luận: "Giống nhau thật đấy, khác mỗi cái ảnh. Có cung đình là đạo, đầu đội cái gì đấy tròn tròn là đạo, áo trùng màu là đạo, thậm chí áo không trùng màu cũng là đạo luôn. Sống sao cho vừa lòng người?".

Bạn Hoàng Phú hài hước: "Ừ thì đạo kiến trúc cung đình, chắc họ quên Tử Cấm thành do 1 trong 4 Kkiến trúc sư trưởng là người Việt thiết kế?".

Đến thời điểm hiện tại, phim Phượng khấu chỉ mới có teaser chính thức chứ chưa phát hành trailer chính thức. Ngày 5.3 sắp tới, ekip phim mới tổ chức công chiếu tập đầu tiên. 

Trao đổi với đại diện truyền thông của phim Phượng khấu, anh này nói ekip đã đọc bài viết trên Weibo từ vài ngày trước nhưng chọn cách im lặng vì thấy chưa ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, khi trong cộng đồng bắt đầu lan truyền đường link này, anh và ekip buộc phải lên tiếng để bảo vệ hình ảnh phim cũng như bảo vệ cổ phục Việt Nam.

"Trong bài viết trên Weibo, có thể thấy, khán giả Trung Quốc đã so sánh hoàn toàn không có cơ sở và hoàn toàn cảm tính. Ví dụ, họ đem một loạt các trang phục có sự tương đồng về màu sắc của chúng tôi lên so. Trong khi trên thực tế, tất cả các trang phục mà họ so đều là dạng thức trang phục gọi là ngũ thân tay chẽn, được ra đời vào nửa cuối thế kỉ thứ 18 trong đợt cải cách trang phục Đàng Trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Dạng thức ngũ thân tay chẽn này chính là "quốc phục", dạng trang phục thông dụng và tiêu biểu nhất của thời Nguyễn, từ Hoàng gia, Quý tộc cho đến dân thường đều sử dụng loại ngũ thân tay chẽn này. Đây cũng chính là tiền thân của chiếc áo dài hiện đại.

Họ đặt hình ảnh của những chiếc áo ngũ thân tay chẽn được may theo đúng phương pháp cổ truyền để so sánh với những chiếc kỳ bào, tiện phục của phi tần nhà Thanh là một điều rất vô lý, vì cơ bản đây là 2 dạng thức trang phục khác nhau.

Bên cạnh đó, họ còn đem so sánh "điền tử" (một loại phục sức đội đầu của phụ nữ Mãn Thanh) với "khăn lươn" truyền thống của Huế. Thậm chí họ còn đem so sánh mô hình Kinh thành Huế được phục dựng lại 80% nguyên bản để sử dụng trong Phượng Khấu để so với mô hình Cố Cung Bắc Kinh, đây là một điều hoàn toàn không đúng về mặt lịch sử", vị đại diện này nói.

Theo đó, ekip Phượng Khấu có thể còn thiếu sót về nhiều mặt, khó có thể so với độ hoành tráng của phim Diên hy công lược nhưng nếu nói bộ phim đạo nhái trang phục của tác phẩm Trung Quốc là sai nghiêm trọng về lịch sử lẫn tạo hình.

Hỏi anh đâu là bản sắc rõ nét nhất của cổ phục Việt, của Phượng khấu để người dùng mạng Trung Quốc lẫn Việt Nam dễ nhận thức hơn? Anh này cho biết: "Trang phục Việt Nam thời Nguyễn, rất may mắn vẫn còn khá đầy đủ tư liệu từ thành văn cho đến hiện vật và hình ảnh. Thế nên, ekip Phượng khấu hoàn toàn có thể tự tin về vấn đề này.

Nói một chút về trang phục Phượng khấu, phần form dáng trang phục chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy cách truyền thống của triều Nguyễn. Các hoa văn trên các loại áo triều phục, cát phục, nhật bình đều sử dụng bộ hoa văn của triều Nguyễn. Các loại trang phục thường ngày của phi tần vẫn giữ đúng form áo ngũ thân, nhưng hoa văn có đôi chút cách điệu để thêm phần đa dạng và phong phú cho tạo hình nhân vật".

Theo Vietnamnet