Xử lý vi phạm nồng độ cồn ở đường nông thôn vẫn vướng

Tin tức - Ngày đăng : 11:13, 25/02/2020

Tại khu vực nông thôn, việc đi lại bằng taxi cũng không thuận lợi như ở đô thị nên nhiều người vẫn đi xe máy đến các nhà hàng, quán ăn uống...

Ở nông thôn, nhiều người vẫn có thói quen uống rượu bia sau đó tham gia giao thông

Sau gần 2 tháng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, tại khu vực nông thôn, việc xử lý các vi phạm còn nhiều khó khăn. Người dân chưa thực sự chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông.

Theo đánh giá của chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) một số huyện trong tỉnh như Nam Sách, Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng… Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Tại các địa phương, từ đầu năm đến nay tình hình vi phạm trật tự ATGT và tai nạn giao thông đều có xu hướng giảm. Đặc biệt, các lỗi vi phạm do ý thức của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chở quá số người quy định, lái xe đi quá tốc độ… không còn phổ biến như trước đây.

Đại úy Trần Tuấn Linh, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự-cơ động (Công an huyện Ninh Giang) cho biết: “Chế tài xử phạt tăng cao khiến người tham gia giao thông bắt buộc phải điều chỉnh hành vi của mình. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp vi phạm các lỗi bị xử lý đều giảm mạnh. Đặc biệt, đối với vi phạm nồng độ cồn, dù thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng từ ngày 1.1 đến nay đơn vị mới phát hiện, xử lý 3 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm”.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong tháng 1, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông làm 22 người chết và 6 người bị thương, giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, tăng 2 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019. Trong số các vụ tai nạn giao thông chỉ có 2 vụ xảy ra tại đường giao thông nông thôn (chiếm 8,7%).

Dù đã có chuyển biến nhưng tình trạng vi phạm trật tự ATGT tại khu vực nông thôn vẫn còn phức tạp. Một số người dân chấp hành pháp luật chưa tốt. Tại huyện Nam Sách, từ đầu năm đến nay lực lượng CSGT huyện đã phát hiện, xử lý 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với tổng số tiền phạt 84,5triệu đồng. Tất cả các trường hợp trên đều đi xe máy. Khảo sát thực tế tại một số quán ăn ở khu vực nông thôn, tình trạng uống rượu bia rồi lái xe máy vẫn xảy ra.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một nhà hàng  ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, lượng bia tiêu thụ tại nhà hàng có giảm nhưng không nhiều vì chủ yếu phục vụ khách quen, ở gần. Từng bị xử phạt gần chục triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn nhưng anh Trần Văn N. ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) vẫn chưa thể từ bỏ thói quen lái xe sau khi đã uống bia rượu. "Rất khó để không uống rượu bia khi gia đình có công việc gì hay vào dịp gặp gỡ bạn bè", anh N. phân bua.

Tại khu vực nông thôn, việc đi lại bằng taxi cũng không thuận lợi như ở đô thị nên nhiều người vẫn đi xe máy đến các nhà hàng, quán ăn uống. Anh Hoàng Ngọc V. ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) biện hộ: “Biết là nguy hiểm và vi phạm nhưng cũng không thể làm khác được. Nhà ở cách quán ăn có vài cây số, đi bộ thì rất mất thời gian. Mà ở quê thì làm gì có taxi, xe ôm mà thuê”.

Trong tỉnh vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do lái xe tự ngã và liên quan đến việc đã uống bia rượu. Gần đây nhất, tối 14.2, một cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bình Giang tử vong do tự gây tai nạn giao thông tại khu vực cống Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang). Nạn nhân được xác định lái xe sau khi đi liên hoan và có sử dụng rượu bia. 

Khó khăn chung trong xử lý vi phạm trật tự ATGT ở khu vực nông thôn hiện nay là lực lượng CSGT các địa phương còn mỏng. Điển hình như tại huyện Cẩm Giàng, Đội CSGT Công an huyện chỉ có 2 tổ, mỗi tổ 4 người làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Lực lượng CSGT chỉ có thể tập trung làm công tác bảo đảm trật tự ATGT tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm chứ không thể tuần tra tại tất cả các tuyến đường xã, thôn trong huyện.

Trung tá Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự - cơ động (Công an huyện Cẩm Giàng) đề nghị: Cùng với công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng công an, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và đoàn thể chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân khi tham giao giao thông. Cần làm cho mọi người hiểu rõ việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT là để bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của chính mình chứ không phải vì để né tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT.

HẠO NHIÊN