Điệu nhảy Tango lạc nhịp ở ''Nhà hát của những giấc mơ''

Quốc tế - Ngày đăng : 17:12, 28/02/2020

Việc MU ký hợp đồng với Sebastian Veron được kỳ vọng tạo ra một sự thay đổi để bắt kịp những xu hướng chiến thuật bóng đá mới nhưng đây lại là một bản hợp đồng thất bại, mở ra câu chuyện đầy trắc trở.



“Chúng ta không thuộc về nhau”

Khi Premier League ra đời vào năm 1992, các đội bóng ở Anh bắt đầu tìm kiếm các tài năng ngoài biên giới. M.U không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng họ luôn trung thành với chính sách chuyển nhượng nhắm đến những cầu thủ ở lục địa già. Vùng Scandinavia được xem là “thị trường chính” cung cấp cho Quỷ đỏ những Peter Schmeichel, Solskjaer, Henning Berg, Ronny Johnsen hay Jesper Blomqvist. Bên cạnh đó là những bản hợp đồng nổi bật từ Pháp (Eric Cantona), Nga (Andrei Kalchelskis) hay Hà Lan (Jaap Stam).

Với chính sách chuyển nhượng đó kết hợp cùng các tài năng trẻ được chính CLB đào tạo (thế hệ 92 của Beckham, Scholes, Giggs, anh em Neville, Nicky Butt), M.U bước lên đỉnh cao vinh quang với cú ăn ba huyền thoại mùa 1998/99.

Nhưng trận thua Real Madrid ở tứ kết Champions League mùa 1999/00 đã khiến Sir Alex phải suy nghĩ lại. Tại Old Trafford, Fernando Redondo biến các tiền vệ của Quỷ đỏ thành trò hề bằng một màn trình diễn đẳng cấp thế giới. Nhà cầm quân người Scotland nhận ra rằng nếu M.U tiếp tục với lối chơi quen thuộc, họ sẽ bị các đội bóng ở Tây Ban Nha và Italia cấp tiến hơn về chiến thuật vượt qua.

Cho đến nay, Sebastian Veron vẫn là  nỗi thất vọng lớn tại Old Trafford
Cho đến nay, Sebastian Veron vẫn là nỗi thất vọng lớn tại Old Trafford

Mùa hè 2001, M.U phá két và chi ra 28,1 triệu bảng để đem Juan Sebastian Veron về từ Lazio. Veron kỹ thuật chẳng kém gì người đồng hương Redondo, nhưng trông vạm vỡ và “chiến” hơn nhiều với cái đầu trọc lốc và bộ ria rậm rạp.

Veron khởi đầu không tệ, nhưng những ngày sau đó, mọi thứ diễn ra không như những gì Sir Alex kỳ vọng dù ông tạo điều kiện tối đa để bản hợp đồng bom tấn được ra sân khi chấp nhận thay đổi cả chiến thuật, đẩy Scholes lên đá hộ công sau lưng Van Nistelrooy, nhường trung tuyến lại cho Veron.

Veron, với phong cách của một nghệ sĩ, không thể thích nghi với nhịp độ chơi bóng tại Anh. Các CĐV đã quen với những cú dốc biên thần tốc của Giggs, những đường lật bóng chính xác như máy của Beckham hay cú sút xa búa bổ của Scholes, dần dần cảm thấy khó chịu với những tình huống giữ bóng, những cú vê gầm giày, tỉa má ngoài làm chậm đi nhịp độ tấn công hừng hực quen thuộc của Quỷ đỏ.

Veron không thuộc về M.U, và M.U không phải là nơi để Veron phát huy hết những tố chất tinh túy của mình. Họ chia tay không kèn không trống mùa hè 2003.

Những người Argentina “mất chất”

Mùa Hè 2004, M.U chiêu mộ người Argentina thứ hai. Gabriel Heinze đá được cả trung vệ lẫn hậu vệ trái, đến Old Trafford từ PSG với giá 6,9 triệu bảng.

Heinze, có cha người Đức và mẹ người Italia, không phải là một nghệ sĩ dù có mái tóc bồng bềnh đầy lãng tử. Trên sân, anh là một chiến binh đích thực với những cú tắc bóng khủng khiếp. Sự máu lửa giúp anh nhanh chóng nhận được tình cảm từ các CĐV. Heinze kết thúc mùa giải đầu tiên mỹ mãn với giải thưởng Sir Mats Busby cho cầu thủ xuất sắc nhất năm.

Nhưng sự nghiệp của Heinze cũng không suôn sẻ. Anh phải nghỉ hết cả mùa 2005/06 vì chấn thương đầu gối. Khi trở lại, anh phải cạnh tranh vị trí với một hậu vệ trái đầy tài năng khác là Patrice Evra và dần dần trở thành kẻ yếu thế. Dấu ấn cuối cùng mà Heinze để lại chẳng mấy vui vẻ khi đòi chuyển sang Liverpool, kình địch không đội trời chung của M.U.

Carlos Tevez
Carlos Tevez

Carlos Tevez là cái tên Argentina tiếp theo đến Old Trafford. Giống như Heinze, Tevez không phải mẫu cầu thủ hào hoa. Kết hợp cùng Ronaldo và Rooney trở thành bộ ba tấn công tốt nhất châu Âu trong mùa 2007/08, Tevez là người Argentina thành công nhất ở Old Trafford. Trên hành trình M.U giành cú đúp mùa giải ấy, anh ghi 19 bàn và có 7 đường kiến tạo. Các CĐV của Quỷ đỏ đã yêu mến Tevez như cách mà họ dành tình cảm cho Ronaldo hay Rooney.

Rồi như một cái dớp, sự xuất hiện của Berbatov đầu mùa 2008/09 bắt đầu cho một sự rạn nứt. Tevez được ra sân ít hơn và bắt đầu lo ngại cho tương lai của mình. Trong khi đó, M.U không có một động thái nào cho thấy họ trân trọng với những đóng góp của tiền đạo Argentina. Sự kết hợp tưởng chừng rất tốt đẹp cuối cùng tan vỡ khi Tevez sang Man City.

Và đến Angel di Maria, cái tên rất được kỳ vọng cũng không thể tồn tại quá 1 mùa giải tại M.U trong hệ thống hà khắc của Louis van Gaal. Old Trafford dường như không phải là mảnh đất lành để những tài năng xứ sở Tango tỏa sáng.

Những dư âm cuối cùng

M.U vẫn còn 2 cầu thủ người Argentina trong biên chế là Marcos Rojo và Sergio Romero. Rojo đến M.U từ năm 2014 nhưng đóng góp hạn chế vì liên tục chấn thương, hiện đang được cho Estudiantes mượn trong khi Sergio Romero chỉ là thủ môn dự bị cho David De Gea.

Di Maria “thù hận” M.U

Theo tiết lộ của người đồng đội Marcin Bulka ở PSG, Di Maria ghét M.U đến mức cứ thấy đội bóng này trên TV là lập tức chuyển kênh. Di Maria đến M.U với mức phí 59,7 triệu bảng nhưng chỉ chơi ở đây đúng 1 mùa giải 2014/15, ra sân 32 trận và có 4 bàn thắng trước khi bị thanh lý.

Theo Bongdaplus