Du học sinh Hàn kể chuyện ở khu cách ly: "Việt Nam đang làm rất tốt"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 29/02/2020
Đang theo học chương trình thạc sĩ luật quốc tế tại Đại học Hanyang ở Seoul, Thuỳ Dung (sinh năm 1992) cho biết nằm mơ cô cũng không nghĩ Hàn Quốc lại trở thành ổ dịch Covid-19.
Khu phố gần cổng trường Đại học Hanyang thường ngày vốn đông đúc và náo nhiệt trở nên vắng vẻ vì dịch bệnh bùng phát.
Dung cho hay ban đầu cô không có ý định về Việt Nam và sẽ mua thực phẩm để "cố thủ" trong nhà ít nhất một tháng.
Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan nhanh chóng với số ca nhiễm bệnh tăng dần theo cấp số nhân khiến Dung cảm thấy lo lắng.
Hành trình trở về Việt Nam
"Nghỉ học mình chỉ biết tự cách ly trong phòng. Mỗi tối, gia đình ở Việt Nam đều gọi điện lo lắng: 'Hay về nước đi con?'. Lúc đầu mình cũng băn khoăn lắm, song vẫn quyết tâm đặt vé về Việt Nam", Dung kể.
Tuy nhiên, hành trình về nước tránh dịch của cô gái cũng không hề dễ dàng. Dịch bệnh khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Dung không thể đặt vé về Hà Nội mà phải đi từ sân bay Incheon đáp ở TP Hồ Chí Minh.
Thuỳ Dung được đưa về khu cách ly tập trung ở quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Tối 26.2, Dung hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất và lập tức nhận được thông báo là các chuyến bay từ Hàn Quốc về sau 21 giờ đều bị cách ly tập trung ở Củ Chi, quận 7 hoặc Cần Thơ.
"Mình gần như sắp khóc khi phải về TP Hồ Chí Minh lạ lẫm thay vì Hà Nội, bây giờ lại một thân một mình chịu cảnh cách ly ở chỗ xa lạ", cô nhớ lại.
Tuy nhiên, chuyện cách ly không quá đáng sợ như Dung tưởng tượng.
Vừa hạ cánh xuống sân bay, 9X được nhân viên y tế giải thích việc lây nhiễm nguy hiểm thế nào, khuyến khích ai ở Daegu và các tỉnh lân cận tự giác báo cáo để được chăm sóc y tế kịp thời.
"Mọi người rất hợp tác, đứng vào hàng riêng, sáng hôm sau mới có xe đưa đi Củ Chi cách ly nên tối hôm đó mọi người được cung cấp đồ ăn và chỗ ngủ ngay khu nhập cảnh. Những ai từ Seoul về và ở lại P Hồ Chí Minh thì khai địa chỉ theo phường, quận và đợi y tế địa phương nơi đó lên đón, kiểm tra sức khoẻ rồi đưa về tận nhà", Dung cho biết.
"Cách ly mà như không"
2 giờ sáng 27.2, Dung được đưa về khu cách ly tập trung ở quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Vì chỉ có một mình, 9X được sử dụng một mình một phòng. Căn phòng có 3 giường rất sạch sẽ, có tivi, Wi-Fi, phòng vệ sinh khép kín.
Hàng ngày, Dung được phục vụ 3 bữa cơm và có thể gọi đồ ăn bên ngoài.
Một buổi sáng thức dậy tại khu cách ly của Thuỳ Dung |
Điều khiến Dung ấn tượng nhất trong những ngày đầu tiên ở khu cách ly tập trung là các nhân viên y tế rất dịu dàng, điềm đạm và thân thiện.
Đặc biệt, trên quãng đường di chuyển về khu cách ly, họ luôn nói lời xin lỗi người dân nếu như có gì bất tiện và động viên mọi người chịu khó vượt qua giai đoạn dịch bệnh này.
9X cho hay ban đầu cảm giác bị cách ly không mấy vui vẻ, song lại nghĩ đây là nơi an toàn nhất cho bản thân và cộng đồng nên thấy tinh thần thoải mái, lạc quan hơn.
"Khác với ở Hàn Quốc, tại đây mình bị cách ly mà như không cách ly. Mình được mọi người quan tâm, hỏi han tình hình sức khoẻ. Không chỉ được cung cấp đủ điều kiện vật chất, mình còn được các y bác sĩ tại đây thăm khám sức khoẻ và yêu cầu tự đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Đặc biệt, được hít thở bầu không khí trong lành, thoải mái tinh thần và an tâm vì mình được bảo vệ".
9X cho biết lần đầu tiên cô có những trải nghiệm thú vị ở khu cách ly tập trung |
Thuỳ Dung cho rằng những người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc đừng vì một chút thoải mái của bản thân mà khai dối thông tin, trốn cách ly.
"Mong anh chị em bạn bè ở Hàn mạnh khoẻ bình an, ai về thì hãy cứ về và yên tâm. Nhà nước mình đang làm rất tốt công tác phòng dịch, rất chặt chẽ nhưng mềm mỏng, dễ thương".
Nữ thạc sĩ tương lai mong muốn bằng những hình ảnh và câu chuyện trải nghiệm thực tế của mình mọi người có thể yên tâm về công tác phòng chống dịch của Việt Nam.
Hành khách từ vùng dịch của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Ảnh: Việt Linh |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Phòng Công tác xã hội kiêm điều hành Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cho biết người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cần tự cách ly trong 14 ngày cho đến khi chứng minh không mang virus trong người, kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những người có dấu hiệu sốt, ho và khó thở, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời yêu cầu những người này không tiếp xúc với người khác khi không cần thiết.
Trường hợp phải tiếp xúc thì áp dụng các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người tiếp xúc trên 2 m, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.
Theo Zing