Đầu tư các công trình trọng điểm phòng chống lụt bão

Môi trường - Ngày đăng : 07:07, 06/03/2020

Nhiều công trình đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh đang được gấp rút thi công, bảo đảm khắc phục những nguy cơ, hạn chế trước mùa mưa bão năm nay.


Sự cố sạt lở hạ lưu kè Hùng Thắng tương ứng với đoạn đê từ K19 +360 - K19 + 540 thuộc đê tả Thái Bình đoạn qua xã Minh Tân (Nam Sách) đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư

Tỉnh ta đã sớm có chủ trương đầu tư một số công trình trọng điểm để nâng cao khả năng phòng chống thiên tai cho hệ thống đê điều. Các công trình này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Nhiều sự cố đê điều

Xã Minh Tân (Nam Sách) có 5 km đê thuộc tuyến tả sông Thái Bình, trong đó có 3 sự cố sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều. Đặc biệt nguy hiểm là sự cố sạt lở bãi sông tương ứng với đoạn đê từ K19+372 - K19+395.

Sự cố này xuất hiện từ tháng 7.2019 với cung sạt dài tới 23 m, chiều rộng cung sạt chỗ lớn nhất là 16m. Điểm sạt cách chân đê phía sông khoảng 18,5 m, trên bãi sông xuất hiện nhiều vết nứt. Khu vực này vẫn có khả năng tiếp tục sạt lở gây mất an toàn thân đê.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách, trên địa bàn hiện có 5 sự cố đê điều. Các điểm sạt lở ở khu vực từng xuất phát từ tình trạng khai thác cát trái phép, nền địa chất yếu, cộng với tác động của dòng chủ lưu ép sát vào chân và mái gây ra hiện tượng sạt lở.

Trong trường hợp có mưa lớn và lũ kéo dài thì nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều sự cố sạt lở vào hành lang đê, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình đê điều.

Trong mùa mưa bão năm 2019, trên các tuyến đê của huyện Thanh Hà cũng đã xảy ra nhiều sự cố. Nhiều điểm sạt lở xuất hiện trên tuyến đê hữu sông Rạng đoạn qua xã Thanh Lang. Hiện khu vực này có 3 điểm sạt lở, các vị trí sạt có tổng chiều dài hơn 200 m. Theo Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà, tuyến đê hữu sông Rạng có địa chất phức tạp, nhiều bùn cát, nền yếu kết hợp với dòng chảy tác động trực tiếp vào bãi sông. Đặc biệt, khu vực này đã từng xảy ra sự cố nứt đê từ những năm trước, nay lại do địa hình bất lợi, mất ổn định nên tiếp tục bị sạt lở mạnh.

Giữa tháng 11.2019, trên địa bàn xã Thanh Lang xuất hiện sự cố sạt lở bãi sông đê hữu sông Rạng, cung sạt dài 27 m, điểm sạt lở cách chân đê 16,7 m. UBND huyện Thanh Hà đã phải yêu cầu lực lượng chức năng cắm nêu, biển báo sự cố; chỉ đạo UBND xã Thanh Lang, Hạt Quản lý đê cử lực lượng thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời mọi diễn biến.

Huyện tăng cường xử lý các đối tượng khai thác cát lòng sông trái phép ở khu vực này. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12.2019, đoạn bờ sông này tiếp tục bị sạt lở với tổng chiều dài 54 m, tương ứng với đoạn đê từ K10+147 - K10+201, mặt bãi sông xuất hiện nhiều vết nứt và có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, trong mùa mưa bão năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 16 sự cố đê điều. Trong đó mới chỉ có 2 sự cố đê điều được xử lý khẩn cấp là sự cố sạt lở bãi sông đoạn K16+037 - K16+133 đê tả Kinh Thầy thuộc phường Đồng Lạc (TP Chí Linh) và đoạn K19+660 - K19+780 đê tả Thái Bình thuộc xã Minh Tân (Nam Sách) với tổng số tiền 10 tỷ đồng. Cả 2 sự cố này đều được xử lý khẩn cấp và đã hoàn thành vào cuối năm 2019.


Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đang gấp rút triển khai thi công các công trình nhằm bảo đảm an toàn đê điều do sự cố ảnh hưởng của lũ bão năm 2017

Khẩn trương đầu tư

UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để xử lý 5 sự cố đê điều. Đó là sạt lở hạ lưu kè Hùng Thắng từ K19+360 - K19+540 thuộc đê tả Thái Bình đoạn qua xã Minh Tân (Nam Sách), bờ lở Thái Thịnh, kè Thất Hùng thuộc đê hữu sông Kinh Môn, bờ lở Lộ Xá thuộc đê tả sông Kinh Môn đoạn qua xã Thăng Long (cùng ở thị xã Kinh Môn) và điểm sạt lở bãi sông phía hạ lưu kè Ngọc Điểm tuyến đê tả sông Thái Bình thuộc địa bàn xã Trường Thành (Thanh Hà). Chủ đầu tư đang gấp rút làm các thủ tục đấu thầu để tiến hành thi công. Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đang gấp rút triển khai thi công các công trình nhằm bảo đảm an toàn đê điều do các sự cố ảnh hưởng của lũ bão năm 2017. Trong đó có 17 gói thầu liên quan đến các dự án đê điều như làm kè, mở rộng mặt đê, làm cống qua đê... Đến nay, hầu hết các dự án đã thực hiện được từ 90% khối lượng trở lên. Đến hết tháng 3 này, các công trình sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý công trình (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh) cho biết: "Chi cục đã yêu cầu Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố rà soát và đánh giá lại hiện trạng các công trình đê điều, xác định trọng điểm và xây dựng phương án hộ đê năm 2020.

Với các điểm sạt lở nghiêm trọng, chi cục tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để xử lý sự cố. Trước mắt, Hạt Quản lý đê cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các phương án bảo vệ 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra".

TRẦN HIỀN