Giãn, hoãn thuế thu nhập cá nhân để kích cầu
Kinh tế - Ngày đăng : 12:54, 08/03/2020
Người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ quyết toán tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh
Trong chỉ thị vừa mới ban hành, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương ngay trong tháng để trình Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết nâng mức GTGC của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), góp phần giảm thuế thu nhập cho người dân.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không nên quá tính toán với người nộp thuế mà nên giãn, hoãn nộp thuế TNCN như đã từng làm trước đây để kích cầu.
Số thuế TNCN tăng mạnh
Với mức GTGC mới là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc như đề xuất, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng mà có 1 người phụ thuộc vẫn chưa phải nộp thuế TNCN. Với thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc, số tiền thuế TNCN phải nộp chỉ còn 230.000 đồng/tháng, giảm 260.000 đồng so với hiện nay. Nếu có 2 người phụ thuộc mà thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chỉ nộp 10.000 đồng thuế TNCN.
"Với đề xuất tăng mức GTGC, những người đang nộp thuế TNCN đều được lợi. Đặc biệt hầu hết những người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp nữa. Còn những người nộp thuế ở những bậc tiếp theo cũng đều được giảm số tiền thuế phải đóng" - một lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết năm 2019, cơ quan thuế đã cấp mã số thuế cho 28 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Trong đó chỉ có gần 7 triệu người có thu nhập đến mức phải đóng sắc thuế này. Tuy nhiên thu nhập của người dân ngày càng tăng nên số lượng người nộp thuế và tổng số tiền thuế đóng cho ngân sách mỗi năm cũng tăng theo.
Chẳng hạn trong năm 2016, cả nước có 4,38 triệu người có thu nhập từ tiền công, tiền lương nộp thuế TNCN với tổng số tiền thu được là hơn 49.000 tỷ đồng. Nhưng sau 4 năm, đến năm 2019, số người có thu nhập từ tiền công, tiền lương đóng thuế TNCN tăng lên hơn 63%, đạt 6,88 triệu người. Tổng số tiền thuế TNCN mà những người làm công ăn lương đóng góp năm 2019 là 79.200 tỷ đồng.
"Thắt lưng buộc bụng" để nộp thuế?
Trao đổi với phóng viên, nhiều người làm công ăn lương cho rằng mức GTGC theo đề xuất của Bộ Tài chính quá thấp, không theo kịp tốc độ tăng của vật giá khiến đời sống của người lao động chật vật. Chị Thuyên (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho hay dù tính toán khá kỹ nhưng chi phí cho hai con cũng hơn 20 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống, quần áo, khám chữa bệnh... Thế nhưng Bộ Tài chính chỉ đề xuất tăng mức giảm trừ lên 4,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc. Với hai con, một tháng chị được trừ 8,8 triệu đồng. Mức này rất khó sống giữa thành phố đắt đỏ như Hồ Chí Minh.
"Không nên áp dụng một mức giảm trừ "cào bằng" cho cả nước vì như vậy rất bất hợp lý. Ngoài ra, nên xem xét cho trừ khoản học phí như đối với con người nước ngoài. Đó cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu vì đây sẽ là lớp kế cận lao động và nộp thuế. Nếu áp dụng mức giảm trừ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu trong tương lai" - chị Thuyên nêu ý kiến.
Trong khi đó chị Quỳnh Loan (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng với mức GTGC mới, dự kiến áp dụng trong 5-7 năm tới, người nộp thuế chẳng khác nào phải "thắt lưng buộc bụng" để nộp thuế. Vì mức giảm trừ không thể nào bằng mức sống ở những thành phố lớn. "Chưa đủ sống đã phải nộp thuế sao gọi là nuôi dưỡng nguồn thu" - chị Quỳnh Loan nói.
Theo chị Loan, thời gian qua giá cả tăng vùn vụt từ mớ rau, con cá, ký thịt..., cứ ra chợ là thấy "choáng". "Chưa kể cứ sau tết là giá tăng mà chẳng cần lý do gì. Một khi đã tăng sẽ không bao giờ giảm. Thế mà khi tăng mức GTGC, Bộ Tài chính chỉ đề xuất tăng một cách "rón rén" thì làm sao người làm công ăn lương "tâm phục khẩu phục" và an tâm được" - chị Loan nói.
Bảng tổng hợp số liệu về thuế TNCN từ tiền lương, tiền công Nguồn: Bộ Tài chính
Nên giãn, hoãn thuế TNCN
Một chuyên gia thuế cho biết theo dự toán ngân sách năm 2019, tổng số tiền thuế TNCN là 113.000 tỷ đồng và con số kế hoạch trong năm 2020 là 128.600 tỷ đồng, bằng 8% tổng thu ngân sách, 10% tổng thu các loại thuế. "Các con số này đã khẳng định sự đóng góp rất lớn của người làm công ăn lương. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh còn khó khăn, Chính phủ có gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp qua việc hoãn, giãn, giảm thuế" - vị này nói.
Cũng theo vị này, trong lúc chờ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết mức GTGC mới, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ cho người lao động. Theo phân tích của các chuyên gia thuế, việc giãn tiền thuế TNCN lúc này không chỉ chia sẻ khó khăn với người nộp thuế mà còn giúp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bởi khi tiền thuế chưa phải nộp ngay, người dân sẽ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, qua đó giúp doanh nghiệp có đầu ra, giảm tồn kho, bớt khó khăn hơn. Như vậy "một mũi tên trúng nhiều đích", được lợi cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, vì ngân sách đang khó khăn nên cơ quan quản lý phải tính toán nhưng điều quan trọng lúc này là phải làm sao cho người lao động và doanh nghiệp có thể tồn tại được, khi đó thì cơ quan quản lý mới có nguồn thu. Thời gian qua, hàng quán đã đóng cửa hàng loạt, nhiều nơi cũng đang cầm cự và nếu dịch bệnh còn kéo dài, tình hình sẽ càng thê thảm hơn.
"Khi đó nhiều người sẽ mất việc, nguồn thu thuế cũng bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia thời gian qua đã hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều cách, thậm chí phát tiền mặt. Với điều kiện VN hiện nay, cách giúp đỡ thiết thực nhất là giảm thuế khóa, tăng mức GTGC, có thể lên mức 13, 14 triệu đồng/tháng thay vì mức 11 triệu đồng như đề xuất" - ông Hiếu kiến nghị.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, cho rằng mức GTGC tăng phù hợp với biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là đúng quy định của luật. Tuy nhiên, đây là CPI bình quân hay CPI cuối kỳ? CPI bình quân năm thường thấp hơn CPI cuối kỳ bởi trong năm giá có tăng có giảm nên san bằng cho cả năm sẽ thấp hơn. "Đơn cử năm 2019, CPI tăng 2,79%, thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Đây là CPI bình quân trong năm nhưng nếu tính CPI cuối kỳ thì tăng rất cao với 5,23%. Bộ Tài chính cần giải thích rõ ràng cho người dân được biết vì đây là liên quan đến quyền lợi của gần 7 triệu lao động" - ông Ánh đề nghị. Bên cạnh những căn cứ liên quan đến diễn biến CPI như quy định, theo ông Ánh, nên xem xét thêm những căn cứ mới như tốc độ tăng trưởng GDP, tổng mức thu nhập, tổng mức tiêu dùng... để tính mức GTGC. "Cần bổ sung những tham số khác để đưa ra mức GTGC đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, với mức thu nhập của hộ gia đình cũng như diễn biến của tiêu dùng xã hội" - ông Ánh nói. |
Theo Tuổi trẻ