45 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột. Bài 1. Từ trận tiến công chiến dịch trở thành thắng lợi chiến lược

Tin tức - Ngày đăng : 17:28, 10/03/2020

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10.3 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên.


Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên

Đây là sự kiện tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 45 năm sau ngày giải phóng, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung đã “thay da đổi thịt” với những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực. 

Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ, các lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của ngụy quân, ngụy quyền ngày càng suy yếu. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã họp và nhận định tình hình, thời cơ chiến lược mới, từ đó hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 đến 1976, chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975 và quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Đòn “điểm huyệt” tạo đột biến về chiến lược

Việc lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và cũng là thị xã đầu tiên của Tây Nguyên. Đây là một đô thị có giá trị chiến lược không những đối với Tây Nguyên mà cả miền Nam. Giải phóng Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra bàn đạp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Để chuẩn bị giải phóng Buôn Ma Thuột, Trung ương Đảng đã chi viện cho Đắk Lắk Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Tiểu đoàn 196 công binh và bộ binh, pháo binh. Cùng với đó, toàn thể quân và dân các dân tộc Đắk Lắk đồng loạt nổi dậy phối hợp tấn công. So sánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ, quân ta hơn hẳn quân địch về số lượng, chất lượng và thiết bị, bố trí thế trận liên hoàn và hiểm hóc, hình thành những “quả đấm” mạnh ở những khu vực tác chiến then chốt của chiến dịch. Được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, với sự chi viện dồi dào của hậu phương lớn, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và địa phương đều phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm, hăng hái lập công.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, để tạo bí mật cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, quân ta đã tiến hành kế hoạch nghi binh tài tình, thu hút sự đối phó của quân địch lên phía bắc Tây Nguyên. Vì vậy, đến đầu tháng 3/1975, quân địch vẫn chưa phát hiện quân ta sắp tấn công vào Buôn Ma Thuột, do đó vẫn điều quân từ Đắk Lắk để đối phó với quân ta tại chiến trường Bắc Tây Nguyên.

Sau quá trình chuẩn bị lực lượng, đúng 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, từ các hướng quân ta nổ súng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ngay trong ngày 10.3.1975, quân ta đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng. Đến tối 11.3.1975, đoàn cán bộ chính trị gồm 83 người do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’oanh) Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột dẫn đầu, tiến vào thị xã, tỏa xuống các đường phố, khu dân cư, phát động quần chúng, kêu gọi những người chạy lánh cư trở về. Ngày 18.3.1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y’Blốc Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk đã ra mắt nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24.3.1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.

Sau 45 năm giải phóng, những nhân chứng từng sống và chiến đấu trong thời khắc lịch sử quan trọng vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện lịch sử này. Một trong những người lính trực tiếp tham gia trận chiến Buôn Ma Thuột, cựu chiến binh Hồ Quảng Trị (sinh năm 1939) bồi hồi nhớ lại: Ngày 10.3.1975, đơn vị của ông có nhiệm vụ tấn công và tiêu diệt Tổng kho Mai Hắc Đế (kho chứa vũ khí, cung cấp hỏa lực cho các tỉnh Tây Nguyên của địch).

Cũng trong ngày 10.3.1975 đại đa số căn cứ của quân địch tại Buôn Ma Thuột đã bị quân ta đánh chiếm. Đến ngày 11/3/1975, quân và dân ta tiêu diệt hết cứ điểm và đánh lùi các đợt phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột của quân địch. Quân và dân thị xã Buôn Ma Thuột ai nấy đều phấn khởi, đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, cờ giải phóng tung bay khắp thị xã. 

Chung niềm vui giải phóng của những ngày tháng Ba lịch sử, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Khi quân ta lần lượt hạ các căn cứ của địch và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, nhân dân, quân đội đều hồ hởi, phấn khởi đổ ra đường hò reo, ca hát, nhảy múa quên cả mệt mỏi.

Trong cuốn sách “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng”, cố Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên) viết: “Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã giáng đòn điểm huyệt choáng váng, buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã tạo sức mạnh toàn diện mới. Điều quan trọng là nó đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về tinh thần, tư tưởng, về so sánh lực lượng, về thế chiến lược giữa ta và địch”.

Tạo đà cho giải phóng hoàn toàn miền Nam

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, nhà quân sự, chiến thắng Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, nhận định đúng tình hình, chọn đúng thời cơ và địa điểm, có quyết tâm cao, động viên và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả nước về lực lượng, hậu cần và ý chí của toàn quân, toàn dân. Chiến thắng là đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, trước hết là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian mở chiến dịch; nghệ thuật xác định hướng, chọn mục tiêu tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng, bố trí đội hình tiến công.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên khắp chiến trường. Buôn Ma Thuột từ trận tiến công có ý nghĩa chiến dịch trở thành một thắng lợi chiến lược.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là sự nỗ lực của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk phát huy lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc cao độ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã đoàn kết một lòng, thủy chung son sắt, quả cảm kiên cường suốt 30 năm gian khổ, vùng lên chiến đấu, giải phóng quê hương, làm nên thắng lợi vẻ vang.

Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ, huy động toàn bộ lực lượng, mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2005), cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch Tây Nguyên nhận xét: Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta đã chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm then chốt, trận đánh mở đầu theo nguyên tắc tiến công vào chỗ hiểm và yếu để đạt được hai yêu cầu: Phá vỡ thế chiến lược của địch, làm chuyển biến cho được cục diện chiến lược; tạo đà phát triển để tác động đến toàn bộ chiến trường, làm đảo lộn, tạo ra đột biến dẫn đến sự tan vỡ về chiến lược của địch. Giải phóng Buôn Ma Thuột đã mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, đánh dấu một bước suy sụp mới của Mỹ ngụy, thời cơ chiến lược để giành thắng lợi hoàn toàn sớm hơn dự kiến đã xuất hiện.

Trong cuốn sách “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng”, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên) cũng nhận định: Sau chiến thắng Tây Nguyên quân ta có một bàn đạp rất vững chắc và cơ động, chiếm ưu thế về địa hình và thế trận hiểm sắc để đánh xuống đồng bằng, mở ra một hành lang chiến lược rất thuận lợi để tiến xuống Sài Gòn, đánh vào sào huyệt của địch. Chiến thắng Tây Nguyên là đòn chiến lược mở đầu, là trận then chốt về chiến lược tạo ra điều kiện và thời cơ cho các trận then chốt, quyết định tiếp theo giành thắng lợi lớn hơn và đi đến toàn thắng.

Trước sự thay đổi nhanh chóng của cục diện chiến trường, ngày 25.3.1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến và không kịp trở tay. Bộ Chính trị quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5.1975).

Theo TTXVN

Bài 2: Đổi thay trên quê hương Mùng Mười Tháng Ba