Thắt chặt “vòng kim cô”
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:19, 12/03/2020
Tinh thần ấy không chỉ thường trực nơi cơ quan chức năng mà còn ở từng người dân. Hầu hết mọi người đều cảnh giác cao độ với dịch Covid-19 sau khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17.
Thậm chí chúng ta còn triển khai thực hiện việc khai báo y tế trên toàn quốc với mọi người dân. Việt Nam đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh và tới đây “chiếc vòng kim cô” ấy sẽ được phủ sóng toàn quốc. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng và đường đi của các ca nhiễm và nghi nhiễm trên diện rộng.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. CDC đánh giá Việt Nam chống dịch hiệu quả với thông tin minh bạch, các biện pháp dập dịch đúng về kỹ thuật, bao gồm cách ly, phát hiện sớm người nhiễm và nghi nhiễm bệnh, khoanh vùng, dập dịch... đặc biệt là việc phối hợp liên ngành.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thậm chí còn kêu gọi các nước học tập Việt Nam trong việc khống chế dịch Covid-19. Thật tiếc là thành quả bước đầu của chúng ta không giữ được. Nhưng nhìn vào cách Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh có công dân liên quan với bệnh nhân thứ 17 vừa qua đã triển khai các biện pháp quyết liệt để khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan mới thấy Việt Nam đang làm rất tốt như điều CDC hay WHO đánh giá.
Tuyến phòng ngự ban đầu thật mong manh và cũng đầy rủi ro là dựa vào ý thức của mỗi công dân khi nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế. Vòng ngoài này đã bị phá vỡ bởi sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng của bệnh nhân thứ 17 khi không khai báo y tế, dẫn đến việc Hà Nội và các tỉnh phải bắt tay vào công cuộc "truy lùng" tung tích của những người trên cùng chuyến bay.
Đây cũng chính là phòng tuyến thứ hai nước ta đang áp dụng để xác định được người tiếp xúc gần, người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần... nhằm ngăn chặn tối đa dịch bệnh lây lan. Hà Nội đã không bỏ lỡ "72 giờ vàng" để tiến hành các biện pháp cấp bách.
Các tỉnh, thành phố khác cũng ráo riết không kém. Hải Dương đã ngay lập tức tìm và cách ly hai người trên cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17, cách ly 4 người lắp nội thất cho nhà bệnh nhân này... Tất cả những việc này vì chung một mục đích không để virus lọt qua "vòng kim cô".
Những nỗ lực không kể ngày đêm của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương trong những ngày qua không chỉ để khống chế dịch bệnh mà còn trấn an người dân. Dù đã có những lo lắng, có hiện tượng tích trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu nhưng việc này chỉ xảy ra trong đúng 1 ngày rồi ngay sau đó người dân đã bình tâm trở lại.
Người ta tự động viên nhau rằng: "Hãy tin vào Đảng và Nhà nước", "Hà Nội cố lên", "Nước ta là kho mỳ và gạo, xin mọi người đừng tích trữ nữa"... Việc thôi đổ xô đến các siêu thị, giành giật từng thùng mỳ tôm cũng là một cách hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan.
"Nhanh, quyết liệt, triệt để" là những gì mà nước ta đã và đang làm để chống dịch Covid-19. Kết quả đáp lại là hàng chục người đã có kết quả âm tính, xác định không bị lây nhiễm dù con số mắc bệnh đã tăng lên 34 người.
Những người mắc bệnh đều được chữa khỏi và những người còn lại đều có tiến triển tốt. Bình tĩnh và hợp tác với các cơ quan chức năng là việc cần nhất với mỗi công dân cùng chống dịch. Phòng bệnh không chỉ vì cộng đồng nữa mà vì chính bản thân và gia đình mình.
NGÂN HẠNH