Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành
Công nghiệp - Ngày đăng : 18:52, 12/03/2020
Việc giảm lãi suất điều hành (gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu...) sẽ giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
"Thời điểm cụ thể sẽ được Thống đốc và ban lãnh đạo thông báo sau. Mức giảm lãi suất giảm tương đối tích cực", ông Đào Minh Tú nói tại cuộc họp báo chiều 12/3.
Thông tin ông Tú đưa ra trong bối cảnh, nhiều ngân hàng trung ương đã và đang cân nhắc hạ lãi suất đối phó với ảnh hưởng từ Covid-19. Ngày 3/3, Fed hạ lãi suất khẩn cấp dù chưa tới phiên họp chính sách. Đây là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008 cơ quan này can thiệp giữa chừng. Trước đó, Trung Quốc cũng đã hạ lãi suất 0,1%, còn ngân hàng trung ương Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh khẳng định sẽ tung biện pháp chống nguy cơ suy thoái do dịch bệnh.
Cách đây 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất điều hành 0,25%, lần đầu kể từ năm 2017 khi kinh tế thế giới kém thuận lợi, các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55) đáp ứng đủ 3 điều kiện.
Dư nợ đến từ việc cho vay, cho thuê tài chính và nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Kèm theo đó, dư nợ được cơ cấu lại phải thuộc đối tượng khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu thu nhập do Covid-19.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng của hệ thống ngân hàng hai tháng đầu năm tăng khoảng 0,1%, thấp hơn mức tăng 0,85% cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhà điều hành chưa điều chỉnh mục tiêu tín dụng vì vẫn chưa thể dự đoán được tình hình diễn biến dịch bệnh.
Theo VnExpress