Đừng để internet điều khiển mình

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 13/03/2020

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội có nhiều chuyện không tưởng xảy ra và trở thành trào lưu của giới ghiền mạng.

Điển hình như chuyện một thiếu nữ 16 tuổi ở bang Sarawak (Malaysia) đăng khảo sát trên Instagram, hỏi bạn bè rằng mình nên sống hay chết và làm theo bình chọn của đa số. Câu trả lời được 69% số người lựa chọn cái chết. Vậy là cô gái trẻ đã tự kết liễu đời mình khi nghe theo lời khuyên trên mạng.

Trong giới showbiz của xứ sở Kim Chi mấy tháng trước đã dậy sóng bởi cái chết của nữ ca sĩ kiêm diễn viên 25tuổi, cựu thành viên nhóm nhạc thần tượng F(x). Người này treo cổ bằng sợi dây móc vào chùm đèn trần. 

Ẩn sau những cái chết là nhiều câu chuyện lãng xẹt được bắt nguồn từ các trang mạng xã hội và đang trở thành một hiện tượng xã hội cần được lưu tâm. 

Xét về nguyên nhân, thiếu nữ 16 tuổi ở Malaysia tự tử theo lời khuyên của số đông cư dân mạng, còn trường hợp tự tử của nhiều ngôi sao trong giới showbiz Hàn thì cơ bản là không chịu nổi áp lực từ dư luận trên các trang mạng xã hội. 

Ở trường hợp nào cũng có thể nhìn thấy rõ vấn đề đạo đức của cư dân mạng. Trường hợp thiếu nữ trẻ đăng ý kiến lên mạng để tìm cách giải quyết bế tắc và cái kết là nhận được lời khuyên tự tử.

Ở lứa tuổi vị thành niên tâm sinh lý thường chưa ổn định, trong đó có việc khủng hoảng niềm tin. Tại sao cô này không tham khảo ý kiến người thân, bạn thân, giáo viên hay chuyên gia? Có lẽ cô ấy thiếu niềm tin vào những người này nên đã xem ý kiến số đông trên mạng xã hội là chỗ dựa tinh thần, là sự quyết định sáng suốt.

Nếu xem mỗi gia đình là một tế bào của xã hội thì hãy xem xét mối liên kết gia đình đó ra sao?  Tư duy mới về nhân quyền, tự do cá nhân và phương tiện nghe, nhìn, đọc đã trở thành bức tường ngăn cách, chia rẽ, phá vỡ mối liên kết gia đình truyền thống mà theo xu thế chung chúng ta khó lòng thay đổi.

Là những người có trách nhiệm trong gia đình, nên chăng bố mẹ, ông bà phải chọn ra thời điểm, tìm ra phương pháp tiếp cận để gia đình có một khoảng thời gian, không gian liên kết, xây dựng nền nếp nhất định. Một điểm cốt yếu nữa là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ sẽ là nền tảng để nuôi dưỡng đạo đức cho cháu con.

Đối với làng xóm, dòng họ thì việc duy trì mối liên kết trong sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa rất lớn tạo ra chất xúc tác quan trọng để giáo dục đạo đức, truyền thống cho thế hệ trẻ. Còn đối với xã hội thì giáo dục đạo đức trong nhà trường cần được đặt ở vị trí trung tâm, từ đó nghiên cứu tổng quan về môn học, về người dạy.

Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” có ở hầu hết các trường nhưng thực thi nó thì nơi nào cũng chưa tới. Gốc truyền tải đạo đức cho trò chính là ở thầy, vậy nên cần xây dựng người thầy là trung tâm, là mẫu mực để học sinh noi theo.

Hiện các cấp, các ngành liên quan đang nỗ lực chấn chỉnh, xử lý các trường hợp đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhưng chưa đủ sức răn đe. Mỗi người dân hãy xem mạng xã hội như một kênh thông tin tham khảo chứ không để nó quyết định thay mình.

Hãy là người chủ động tiếp cận thông tin để có sự sàng lọc cần thiết, xây dựng cho mình bản lĩnh khai thác thế mạnh của công nghệ một cách hữu ích phục vụ cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Xin đừng để internet điều khiển mình.

THÁI THỤY (TP Hải Dương)