Khai báo gian dối làm lây lan dịch: Cần khởi tố để điều tra
Pháp luật - Ngày đăng : 14:41, 15/03/2020
Việc khai báo gian dối của ca bệnh số 34 khiến hai tuyến đường ở TP Phan Thiết bị cách ly và 10 người khác nhiễm bệnh
Bệnh nhân thứ 34 khai với cơ quan chức năng rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đi thẳng về nhà riêng, tuy nhiên thực tế bà này từng ở lại TP Hồ Chí Minh để giao lưu với đối tác. Khi về đến Phan Thiết, bà còn đi đến nhiều nơi ăn uống.
Việc không khai báo hoặc khai báo gian dối của bệnh nhân này đã gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng. Tính đến nay, bệnh nhân thứ 34 đã lây bệnh cho ít nhất 10 người khác, hàng trăm người tiếp xúc với các bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi.
Liên quan đến bệnh nhân này, hai khu dân cư cũng bị cách ly, gây thiệt hại về kinh tế xã hội, khiến dư luận xã hội phẫn nộ.
Quy định còn chưa rõ
Về trường hợp này, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm ở người được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó tại Điều 240 BLHS quy định cụ thể về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".
"Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được hiểu là hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS.
Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tuy nhiên, luật này lại không quy định chế tài đối với người vi phạm.
Đối với hành vi khai báo gian dối, hiện cơ quan chức năng có thể căn cứ vào Nghị định 176/2013/NĐ-CP để xử phạt. Song mức xử phạt như hiện nay từ 5-10 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Luật sư Nhật đề xuất cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể "Hành vi khác" làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là như thế nào để có chế tài xử lý nghiêm, góp phần ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Cần khởi tố vụ án để điều tra
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng để xác định những trường hợp khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh như trường hợp bệnh nhân 34 có đủ để xử lý hình sự hay không thì cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra.
Bởi đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người thì người phạm tội cố ý, biết mình bị nhiễm bệnh nhưng vẫn cố tình lây lan cho người khác. Việc chứng minh ý thức người này vô ý hay cố ý lây truyền dịch bệnh là rất khó khăn, song không có nghĩa cơ quan điều tra không thể chứng minh được vì bên cạnh lời khai của người phạm tội còn có lời khai, người liên quan và các chứng cứ khác.
"Pháp luật không định nghĩa ''các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người'' là gì. Tuy nhiên, theo tôi, những người này đã có hành vi gian dối, biết mình nhiễm bệnh nhưng cố ý khai báo không trung thực có thể xem là hành vi khác.
Nếu người bệnh khai báo trung thực sẽ hạn chế thiệt hại, hạn chế người lây nhiễm. Nhưng ở đây người này đã cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Bệnh nhân này có thể khai không nhớ nhưng có những việc pháp luật buộc họ phải biết.
Ví dụ, sự việc xảy ra hôm qua đến hôm nay không thể khai là không nhớ. Hoặc trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ chứng minh được người này nói dối vì mục đích gì, đến lúc nào thì người này nhớ, có phải là lúc thấy sự việc cấp thiết quá nên mới khai báo ra sự thật", luật sư Hoan nêu.
Luật sư cũng cho rằng việc khai báo không hết và khai báo gian dối là hai việc khác nhau. Ví dụ, người này gặp 10 người nhưng chỉ nhớ được đã gặp 7 người, khác với việc gặp người A nhưng khai là gặp người B, đã tới điểm A nhưng lại nói tới điểm B.
Đồng thời luật sư Hoan cho rằng trong tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp như hiện nay, cần phải làm quyết liệt để răn đe và phòng ngừa chung. Bởi đối với những người có điều kiện, chỉ phạt 5-10 triệu là không đử sức răn đe, trong khi đó hậu quả gây ra cho xã hội là rất lớn.
Theo Tuổi trẻ