Quảng Trị - miền đất lửa anh hùng
Tin tức - Ngày đăng : 19:08, 18/03/2020
Du kích và bộ đội địa phương Hải Lăng truy kích địch ngày 18.3.1975. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
Từng là một trong những chiến trường giao tranh khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, 45 năm sau giải phóng, tỉnh Quảng Trị thực sự đã vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật, từng bước xây dựng một Quảng Trị tươi đẹp và phát triển.
Mảnh đất anh hùng
Tỉnh Quảng Trị ở vị trí trung độ của cả nước, nơi có con sông Bến Hải - giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève năm 1954. Chính quyền Sài Gòn tổ chức hệ thống quân sự ở Quảng Trị như một tiền đồn, tuyến phòng thủ trọng yếu chống sự “xâm lăng” của “Bắc Việt”. Vì thế, Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường giao tranh khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ.
Đầu năm 1975, trước những thắng lợi liên tiếp của Quân giải phóng ở Tây Nguyên và các chiến trường khác, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tái phối trí lực lượng, rút bớt một số đơn vị, số còn lại buộc phải co cụm, chỉ tổ chức phòng thủ ở những nơi xung yếu. Điều này khiến cho sức mạnh quân địch tại Quảng Trị bị suy giảm đáng kể.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Trị-Thiên tổ chức hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Quảng Trị.
Đêm 18 rạng ngày 19.3.1975, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Quân giải phóng đồng loạt tập kích các cao điểm 122, 180, 90, áp chế trận địa pháo của địch ở Dốc Dầu, Tân Điền. Du kích các địa phương chuyển từ vây ép địch ở Tây Nam Hải Lăng sang tiến công truy kích diệt địch ở các điểm cao 235, 367, 222, động Ông Do. Nhân dân các huyện vùng giáp ranh, vùng đồng bằng nổi dậy chiếm trụ sở chính quyền địch ở cơ sở.
18 giờ 30 ngày 19.3.1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.
Quảng Trị giải phóng, căn cứ tiền đồn trong hệ thống phòng thủ cực Bắc bị phá vỡ, mở ra quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngay sau đó trên địa bàn duyên hải Trung Bộ.
Sau khi thống nhất nước nhà, năm 1976, bốn đơn vị hành chính Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên.
Tháng 7.1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, đặt tỉnh lỵ tại thị xã Đông Hà. Toàn tỉnh gồm 2 thị xã, 6 huyện với 136 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Quảng Trị đã trải qua nhiều thay đổi về địa lý hành chính nhưng các địa danh cách mạng Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đông Hà… vẫn còn sống mãi và vang vọng đến tận mai sau.
Từ ngày 1.7.1989, tỉnh Quảng Trị chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới, mở ra một chương mới trong lịch sử tỉnh Quảng Trị. Việc chia tách ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, tạo điều kiện và cơ hội để các địa phương cùng vươn lên phát triển.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu tái lập, phẩm chất, cốt cách của con người Quảng Trị hình thành nên từ thời mở cõi lại có dịp thăng hoa.
Vươn lên mạnh mẽ
45 năm sau giải phóng và hơn 30 năm sau tái lập tỉnh, Quảng Trị thực sự đã vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật, từng bước xây dựng một Quảng Trị tươi đẹp và phát triển.
Nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị liên tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế tăng 188 lần so với năm 1989, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,8%/năm.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Năm 2018, Quảng Trị xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ về thu nhập bình quân đầu người và dẫn đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ về tốc độ tăng trưởng GRDP. Còn năm 2019 được xem là năm bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên sau 7 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Trị đạt 7,72%. Thu ngân sách đạt trên 3.100 tỷ đồng.
Hiện đã có ngày càng nhiều những công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai, đem lại cho quê hương Quảng Trị một diện mạo mới, góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng bình quân 14% năm, giá trị sản xuất tăng hơn 40 lần.
Đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, trên 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Công nghiệp năng lượng cũng đã hiện hữu trên vùng đất đầy nắng, gió và đang vươn lên trở thành trung tâm năng lượng miền Trung.
Đặc biệt, năm 2019 ghi nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Trị với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 21.000 tỷ đồng. Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả khi Quảng Trị đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Gazprom, Vsip, FLC…
Hiện nay, thương mại-dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ của một thời hoa lửa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình.
Cơ sở hạ tầng du lịch đang được đầu tư. Sản phẩm du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”; du lịch tâm linh; du lịch biển, đảo... đang phát huy lợi thế, bước đầu kết nối có hiệu quả các tour du lịch trên hành lang kinh tế đông-tây.
Sau 45 năm, những giấc mơ về cầu, đường, trường, trạm đã trở thành hiện thực. Đôi bờ của những dòng sông (ở Cửa Tùng, Cửa Việt, dòng Thạch Hãn, Hiếu Giang) được kết nối bằng những chiếc cầu, xóa đi sự chia cắt để nối lại những bờ vui; Đường 9 anh hùng được nâng cấp, trở thành con đường xuyên Á, cùng với quốc lộ 15D, cao tốc Cam Lộ-Túy Loan, trục đường Khu kinh tế Đông Nam đã mở ra cánh cửa tương lai, thực hiện chức năng đi trước, mở đường cho định hướng phát triển.
Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, Quảng Trị là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về các chỉ tiêu văn hóa-xã hội, nhất là phát huy được các giá trị tinh hoa của vùng đất hiếu học, vùng đất mở cõi.
Chất lượng giáo dục đại trà duy trì ổn định và từng bước nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều học sinh Quảng Trị đạt giải cao trong các kỳ thi văn hóa, các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia và quốc tế.
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thường xuyên chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và đối tượng chính sách xã hội.
Quảng Trị là mảnh đất của những cuộc đối đầu, đọ sức quyết liệt, những xáo trộn, chia cắt, phân ly; là chiến trường khốc liệt của nhiều cuộc kháng chiến kéo dài, nhưng cũng là mảnh đất kiên cường, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Trị nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Với truyền thống anh hùng và niềm tin, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị sẽ tiếp tục nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
Theo TTXVN