Mỹ trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới

Tin tức - Ngày đăng : 13:09, 22/03/2020

Ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng lên gần 27.000, khiến nước này trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Italy.

Theo số liệu hệ thống y tế công cộng Mỹ, nước này hiện ghi nhận hơn 26.800 ca nhiễm  Covid-19, trong đó, 348 ca tử vong, 64 ca nguy kịch và 176 ca hồi phục. Tính đến tối 21.3, Washington là bang có số người chết cao nhất với 94 ca, tiếp theo là New York với 74 ca.

Số ca nhiễm và tử vong tăng khiến giới chức bắt đầu lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung y tế. Một số công ty tư nhân phải tham gia cùng chính phủ bổ sung nguồn khẩu trang, máy thở và các vật tư y tế khác. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiến hành xét nghiệm Covid-19 nhanh, có thể cho kết quả chỉ trong khoảng 45 phút.

Một thương nhân đeo khẩu trang trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ ngày 19/3. Ảnh: Reuters.

Một thương nhân đeo khẩu trang trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ ngày 19.3. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên lực lượng chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 20.3 ước tính Mỹ đã xét nghiệm cho khoảng 170.000 người, với tỷ lệ dương tính từ 9-11%. Bà Birx trước đó cảnh báo công nghệ xét nghiệm mới có thể khiến lượng người Mỹ dương tính với Covid-19 tăng trong vài ngày tới.

Giám đốc Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, Anthony Fauci, cho biết tại họp báo hôm 21.3 rằng "không phải người Mỹ nào cũng cần xét nghiệm" vì phải để dành vật tư y tế vốn đang khan hiếm cho y bác sĩ và đã đề ra quy định mới về đối tượng xét nghiệm thay vì xét nghiệm diện rộng.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngừng cấp thị thực thông thường trên toàn thế giới do Covid-19, trong khi thị thực khẩn cấp vẫn được xem xét. Trước đó, Mỹ dừng cấp thị thực tại một số cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài và áp lệnh cấm đi lại đối với công dân 28 quốc gia châu Âu để ngăn Covid-19.

Covid-19 đã xuất hiện ở 188 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12.2019, khiến hơn 300.000 người nhiễm, hơn 13.000 người chết và gần 96.000 người hồi phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó.

Theo VnExpress