Bỏ tiền vào đâu thời COVID-19?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 25/03/2020
Covid-19 khiến chứng khoán "đỏ lửa", bất động sản đóng băng, ngay cả vàng - vốn được cho là nơi trú ẩn an toàn cũng bị bán tháo. Vậy đâu là kênh thích hợp nhất cho nhà đầu tư lúc này?
Tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm
Những nhà đầu tư sành sỏi đều cho rằng "tiền mặt là vua" trong thời điểm suy thoái nhưng để tiền mặt trong nhà là một phương án tồi.
Do đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn phải có trong danh mục của nhà đầu tư giai đoạn này, đặc biệt là người không am hiểu tài chính.
Song nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh khác để có những lựa chọn phù hợp hơn và thực hiện triệt để phương pháp "không bỏ trứng một rổ".
Vàng
Giám đốc đầu tư Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank VCBF Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng vàng là tài sản trú ấn và có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn. Nhưng giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu nên rất khó để xác định "giá trị thực" nên khá rủi ro với nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.
Còn ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, nói rằng vàng đã có xu hướng tăng giá từ năm 2018 chứ không phải đến Covid-19 mới bùng phát. Kim loại quý này có một tuần bán tháo do tâm lý hoảng loạn nhưng ông tin giá sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.
Thực tế dòng tiền lớn từ các ngân hàng trung ương và các định chế tài chính trên thế giới vẫn đổ vào vàng, theo ông Khánh. Khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, các chính phủ bơm tiền và dùng các chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí nhiều Chính phủ sẽ phát tiền, chi phiếu cho mỗi người dân. Nhưng mặt trái của những động thái này là tổng nợ chính phủ và nợ hộ gia đình trên thế giới ngày càng phình to, dẫn đến các ngân hàng phải mua vàng vào để cân đối.
"Theo khảo sát của Hội đồng vàng, đại đa số ngân hàng trung ương cho biết trong 5 năm tới họ không có kế hoạch bán vàng. Chỉ cần họ không bán ra đã là yếu tố ủng hộ cho giá rồi", ông nói.
Ngoài ra, nhà đầu tư tốt nhất nên đầu tư vàng dài hạn trên 1 năm và tránh lướt sóng do giá thế giới và trong nước chênh lệch rất lớn khi thị trường biến động mạnh. Hơn nữa, vàng có tính thanh khoản không thua kém tiền mặt.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng quan điểm khi cho rằng loại trừ hai thị trường đang biến động quá mạnh là chứng khoán và bất động sản, nhà đầu tư có thể tính đến việc gửi tiết kiệm, vàng hay USD.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định, vàng là kênh đầu tư có khả năng sinh lời trong nửa năm tới. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu" vì Covid-19, tài sản trú ấn là vàng sẽ càng được ưa chuộng, đặc biệt với tâm lý người dân Việt Nam.
USD
Ông Phan Dũng Khánh nhận định, chỉ số USD đã có xu hướng tăng giá chục năm trở lại đây và cao gấp đôi so với 2020. Ông cho rằng không nên kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ việc cầm USD so với gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Về căn bản, gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất hay cầm USD hoặc đồng tiền mạnh như yen (Nhật) hay franc (Thuỵ Sỹ) trong ngắn và trung hạn (dưới 2 năm) có mức sinh lời và an toàn tương đương.
Khách hàng giao dịch USD tại một ngân hàng. Ảnh: Anh Tú. |
Bà Hằng Nga, Giám đốc đầu tư của VCBF cũng cho rằng về dài hạn, sau khi dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, nợ chính phủ tăng lên rất mạnh và chính phủ Mỹ sẽ phải in thêm tiền khiến đồng USD mất giá. "Đầu tư vào USD không phải là ý tưởng hay để sinh lời tốt, tuy nhiên khá an toàn", bà nói.
Với những biến động từ dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng và rất khó tránh việc tiền đồng bị mất giá so với USD. Tuy nhiên, khả năng tiền đồng mất giá mạnh là rất khó xảy ra vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang dồi dào, lạm phát được kiểm soát khá tốt.
Nhìn chung, USD có tính thanh khoản, an toàn và giá USD chưa lên quá cao nên nếu nhà đầu tư "muốn có tâm lý an tâm" có thể phân bổ tiền vào USD.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu lao dốc là cơ hội để bắt đầu bỏ tiền vào cổ phiếu để sở hữu một danh mục giá rẻ theo nhận định của Giám đốc đầu tư của VCBF. "Những người tài sản phần lớn là tiết kiệm có thể bắt đầu phân bổ vào cổ phiếu, đầu tư dần dần 1-2 năm và hưởng lợi khi giá quay đầu tăng trưởng trở lại", bà nói.
Không ai đoán được đâu là đáy thị trường nhưng nhìn chung vẫn đang trong xu hướng tiêu cực và theo bà Hằng, nhà đầu tư có thể tăng dần số tiền đầu tư theo từng đợt. Giả sử trường hợp xấu nhất, thị trường tiếp tục đi xuống trong 1-2 năm nữa, nhà đầu tư phân bổ đều đặn hàng tuần hay hàng tháng vào cổ phiếu sẽ xây dựng được danh mục tài sản rất rẻ.
Trong những điều kiện khó khăn, bà cho rằng nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty lớn, dẫn đầu để sống sót qua khủng hoảng, hoặc công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt bù đắp lại cho mức giảm thị giá trước mắt và hồi phục nhanh sau khủng hoảng. Theo quan điểm của Giám đốc đầu tư VCBF, đây là cơ hội dành cho nhà đầu tư muốn xây dựng danh mục giá rẻ và sẵn sàng bỏ tiền dài hạn từ 5-10 năm.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh lại cho rằng đây chưa phải là lúc để nhảy vào thị trường chứng khoán. Sau khủng hoảng 2008-2009, thị trường chứng khoán là kênh phục hồi nhanh nhất chỉ sau tiền mã hoá. Thị trường 2008-2009 đi theo đáy chữ V – rớt rất mạnh nhưng đi lên cũng rất nhanh. "Nhưng tôi lo sợ thị trường đợt này sẽ đi theo hướng W hoặc chữ U – có nghĩa là mua tại đáy cũng không có lời".
Ông Khánh nói: "Dịch bệnh không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính lao dốc đồng loạt". Kinh tế toàn cầu thực tế đã có dấu hiệu đi xuống từ 3 năm trước (trừ kinh tế Mỹ). Ở Việt Nam, GDP tăng trưởng mạnh nhất trong thập kỷ qua là quý I/2018 còn đà tăng trưởng đã chậm lại ở các quý tiếp theo. Trên thế giới, Ngân hàng Thuỵ Sỹ để lãi suất âm từ cuối 2015. Ngân hàng Châu Âu để lãi suất âm từ 2018 đến nay. Kinh tế Trung Quốc có mức độ tăng trưởng giảm dần đều trong suốt chục năm trở lại đây. Chiến tranh thương mại giai đoạn 2 dường như được dời vô thời hạn vì việc đối phó với dịch bệnh. Cuộc chiến này cũng lan ra cả các nước khác chứ không riêng Mỹ - Trung.
"Bản chất nội tại nền kinh tế đã có sự bất ổn - nằm bên kia sườn dốc. Và dịch bệnh chỉ là cú quật ngã thêm khiến cả nền kinh tế lao đao. Đó là lý do thị trường nhiều khả năng đi theo W hoặc U. Đây là bộ phim dài tập", ông Khánh nói.
Theo chuyên gia này, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để nhảy vào thị trường. Tuy nhiên, với chứng khoán phái sinh – đây lại là cơ hội tốt dành cho những nhà đầu tư am hiểu.
Bất động sản
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: "Thời điểm này, người khôn ngoan không nên bung tiền vào bất động sản".
Tuy nhiên, nếu có cơ hội thực sự tốt, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ nếu muốn đón đầu, lưu ý tránh những dự án có thông tin "bơm thổi" khiến giá tăng dựng đứng. Giá trị bất động sản tăng phải tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư thật sự (hạ tầng, dịch vụ, kỹ thuật...).
Trong báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 với hoạt động đầu tư bất động sản trong 6-12 tháng tới, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng nhận định thị trường vốn chảy vào tài sản có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 thậm chí lâu hơn vì các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn. Vì vậy giới đầu tư sẽ nghiêng về nhóm tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập, thích ứng nhanh để tăng khả năng vận hành thay vì đặt ra mục tiêu lợi nhuận khủng như trước đây.
Theo VnExpress