Luyện nói tiếng Anh cho trẻ trong thời gian nghỉ học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:31, 25/03/2020
1. Ngày nói tiếng Anh
Trẻ em đều thích những trò chơi mang tính cạnh tranh lành mạnh nên phụ huynh có thể tận dụng cơ hội này để cùng con học tiếng Anh. Ngoài ra, trẻ sẽ thích thú với việc học ngoại ngữ hơn khi được luyện tập cùng người thân nên trò chơi "ngày nói tiếng Anh" rất được ưa chuộng trong các gia đình dạy trẻ song ngữ.
Khi bạn có thời gian ở nhà cùng con, hãy tổ chức "ngày nói tiếng Anh", có nghĩa là các thành viên trong gia đình không được phép dùng tiếng Việt, phải cùng nhau nói ngoại ngữ cả ngày. Bạn có thể tổ chức nửa ngày hoặc một khoảng thời gian nhất định nếu lịch trình không cho phép.
Mỗi thành viên sẽ được giao một chiếc hộp. Nếu thành viên nào bị phát hiện phạm quy sẽ phải thả một viên bi vào hộp. Đến cuối ngày, cả gia đình sẽ cùng nhau tổng kết số viên bi để tìm ra người chiến thắng và người thua cuộc. Thành viên chiến thắng có thể được thưởng quà còn người thua sẽ bị phạt để tăng tính hấp dẫn cho trò chơi.
2. Ghi lại những kiến thức đang học
Nếu trẻ đang đi học thì thời gian tạm nghỉ có thể khiến các em quên đi kiến thức. Bên cạnh nhiệm vụ dạy trực tuyến của nhà trường, phụ huynh nên đồng hành cùng con trong việc ôn luyện, củng cố kiến thức.
Bạn có thể xem vở ghi chép hoặc hỏi giáo viên phần kiến thức con đang học, sau đó xây dựng kế hoạch ôn tập. Kiến thức tiếng Anh có thể chia làm hai cách ôn tập là lý thuyết và thực hành. Trong đó, lý thuyết là việc làm các bài tập về ngữ pháp, từ vựng, đọc, viết, còn thực hành là việc nghe, nói.
Phụ huynh có thể trò chuyện cùng con về chủ đề tiếng Anh đang học hoặc mở video YouTube, Podcast, chương trình TV, phim ảnh có liên quan.
Ảnh: Lingokids
3. Luyện nghe, nói từ vựng phổ thông
Nếu chưa biết nên dạy con kiến thức tiếng Anh nào, phụ huynh có thể tham khảo từ vựng phổ thông thường sử dụng trong giao tiếp hoặc sinh hoạt đời thường. Đây là những từ vựng đơn giản, dễ học, dễ nhớ, đặc biệt rất hay sử dụng nên có thể áp dụng vào nhiều tình huống. Những từ vựng này phù hợp với trẻ 6-10 tuổi.
Hi, Hello: Xin chào.
Good morning/afternoon: Chào buổi sáng/buổi chiều.
It’s time for English: Giờ là thời gian cho tiếng Anh.
How are you?: Bạn cảm thấy thế nào. Trả lời là: I’m fine, thanks (Tôi khỏe, cảm ơn bạn).
Goodbye/See you later: Tạm biệt/Hẹn gặp lại bạn.
That’s great/Well done/Very good/Fantastic: Thật tuyệt/Tốt lắm/Giỏi lắm/Tuyệt vời.
You did that very well: Bạn làm rất tốt.
What’s this: Đây là cái gì?
What colour is this: Đây là màu gì?
Put them here: Đặt chúng ở đây.
How do you spell ...: Bạn đánh vần ... như thế nào?
Where is your ... : Đồ vật của bạn ở đâu?
Which is your favourite: Bạn thích gì?
Your turn/My turn: Đến lượt bạn/Đến lượt tôi.
4. Đặt câu hỏi
Bạn có thể sử dụng những câu hỏi phía trên để yêu cầu trẻ trả lời bằng tiếng Anh, xây dựng tương tác ngoại ngữ. Với những từ vựng mới hay câu hỏi tiếng Anh, phụ huynh không nên xây dựng thành bài học học thuộc mà nên khéo léo áp dụng vào các cuộc hội thoại thường nhật. Từ đó, trẻ sẽ không có cảm giác phải học bài mà giống như đang thực hành và sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống, làm giảm áp lực học tập nhưng vẫn giúp các em luyện kỹ năng nghe và nói.
5. Đọc sách truyện thiếu nhi bằng tiếng Anh
Trẻ em luôn yêu thích màu sắc, hình khối nên sách truyện thiếu nhi sẽ là công cụ học tiếng Anh hấp dẫn. Phụ huynh có thể đọc sách ngoại văn cho trẻ em trước giờ đi ngủ, yêu cầu trẻ kể lại câu chuyện được nghe bằng tiếng Anh.
Đối với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn, lần đầu tiếp cận tiếng Anh thì phụ huynh có thể chuẩn bị tranh ảnh về động vật, thực vật hoặc đồ vật trong gia đình. Đầu tiên, phụ huynh hãy chỉ vào từng bức tranh và giới thiệu cho trẻ tên của đồ vật bằng tiếng Anh. Sau đó, hỏi lại trẻ "Where is ..." (Nó ở đâu?) để trẻ tự dán nhãn các vật bằng tiếng Anh. Phương pháp này giống với việc học từ vựng tiếng mẹ đẻ.
6. Xem, nghe các chương trình bằng tiếng Anh
Xem phim, chương trình TV hoặc nghe nhạc bằng tiếng Anh giúp trẻ trau dồi vốn từ vựng, hình thành phản xạ nghe nói. Thời gian nghỉ trẻ sẽ có nhiều thời gian rảnh nên cả gia đình có thể cùng nhau xem phim, nghe nhạc vào buổi tối. Bạn có thể cho trẻ lựa chọn bộ phim dựa trên danh sách phim phù hợp với trình độ tiếng Anh của trẻ.
Với những em đã biết ngoại ngữ, trong khi xem, bạn có thể dừng lại và hỏi con "What did he/she say that?" (Anh ấy/ cô ấy đã nói gì vậy?) để trẻ nhại lại giọng nhân vật hoặc trả lời bằng tiếng Anh.
Theo VnExpress