Thi THPT quốc gia: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính các phương án

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 21:38, 09/04/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính toán các phương án khác nhau về kỳ thi THPT quốc gia năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP Hồ Chí Minh

Trong đó, ngoài phương án sẽ tổ chức kỳ thi này vào tháng 8.2020, với phương thức như năm 2019 và cấu trúc đề thi tham khảo vừa công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng tính tới phương án sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12 (không thi).

Xét tốt nghiệp có thể giao cho trường phổ thông

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng ông từng nhiều lần có ý kiến về việc nên tách việc thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Việc thi/xét tốt nghiệp có thể giao cho trường phổ thông, còn tuyển sinh giao cho trường đại học.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng dù thi hay không thi thì vẫn phải tổ chức dạy học bằng các hình thức linh hoạt, chứ không thể kết thúc năm học sớm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) khẳng định: "Trước tình huống phức tạp của dịch bệnh, Bộ GDĐT vẫn phải có nhiều phương án. Tuy nhiên, để học sinh có đủ kiến thức, thời gian ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia thì vẫn có thể thực hiện được".

Học từ xa không đồng bộ

Ông Hoàng Nhật Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay giáo viên trường chúng tôi vẫn đang tích cực dạy học online. Tuy nhiên, số học sinh học từ xa không đồng bộ do một số trường hợp không có máy tính, điện thoại nối mạng Internet".

Tương tự, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP  Hồ Chí Minh chia sẻ: "Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, học sinh không thể đến trường thì kịch bản bỏ thi THPT quốc gia là hợp lý. Học sinh TP Hồ Chí Minh thi THPT quốc gia chủ yếu để lấy kết quả dự tuyển vào ĐH. Nếu không thi, Bộ GDĐT nên có quy định cụ thể về cách thức tuyển sinh đại học trong năm nay và công bố sớm để các trường THPT chuẩn bị cho học sinh...".

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cũng cho biết trường đang dạy học trực tuyến và theo tiến độ này sẽ hoàn thành chương trình sớm hơn mốc thời gian của bộ quy định.

Tuy nhiên, một hiệu trưởng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra ý kiến: "Dù có bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì cá nhân tôi vẫn cho rằng học sinh cần hoàn thành chương trình học kỳ 2 thông qua nhiều cách học tập khác nhau. Sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định tinh giản thì chương trình học kỳ 2 cũng khá nhẹ nhàng chứ không có gì nặng nề. Học sinh các khối lớp cần hoàn thành chương trình học kỳ 2 để vào sổ học bạ chứ năm học không thể kết thúc khi chỉ có 1 học kỳ".

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Kết quả không nhiều ý nghĩa

Ông Phạm Văn Hòa 

Không chỉ trong mùa dịch mà lâu nay tôi ủng hộ quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc mà chỉ nên xét duyệt tốt nghiệp. Hiện nay tình hình thi tốt nghiệp rất tốn kém, mất thời gian nhưng tỉ lệ đậu luôn rất cao từ 95-96%. Kết quả thi không có ý nghĩa nhiều trong đánh giá năng lực học sinh.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nên xem xét chọn phương án xét tốt nghiệp thay cho thi. Như vậy vừa đỡ tốn kém mà lại an toàn cho cộng đồng.

Theo Tuổi trẻ