Ở nhà là yêu nước
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:28, 11/04/2020
Đã hơn một tuần kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội trên toàn quốc, phong trào “Ở nhà là yêu nước” được phát động từ trước đó lại càng phát triển mạnh mẽ theo tinh thần của chỉ thị.
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, người dân cần thực hiện yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân ở một số nơi lại không làm được hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu đơn giản là ở nhà. Các hành vi vi phạm nếu nhẹ thì là ra ngoài không có lý do chính đáng, nặng thì vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, đánh bạc.
Chỉ cần một trong những người đi lang thang ngoài đường hay một trong những người đang tụ tập hát hò, đánh bạc kia dương tính với SARS-CoV-2 thì hậu quả khôn lường. Vẫn biết những đối tượng vi phạm chỉ là một phần nhỏ vô ý thức trong xã hội nhưng chỉ cần một số ít người không thực hiện sẽ làm đổ bể mọi biện pháp chống dịch.
Không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới sớm hay muộn cũng phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa các khu vực ổ dịch. Thực tế cho thấy, quốc gia nào thực hiện càng sớm, càng quyết liệt thì dịch bệnh sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Còn quốc gia nào bình chân như vại hoặc chậm trễ thực hiện thì đều đang lãnh hậu quả.
Ở Italy, nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề nhất châu Âu trong đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội cũng đã phát huy hiệu quả. Có thể thấy rõ qua so sánh giữa hai thành phố Bergamo và Lodi. Tại Lodi, ngày 21.2 có ca nhiễm đầu tiên và hai ngày sau, giới chức đã áp dụng hạn chế đi lại. Ở Bergamo, những ca đầu tiên xuất hiện ngày 23.2 trong một số khu vực nhỏ nhưng thành phố này không thực hiện cách ly cho tới khi có lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 8.3. Tới ngày 7.3, cả hai thành phố đều có khoảng 800 ca, nhưng tới 13.3, số ca ở Bergamo tăng lên 2.300, còn số ca ở Lodi chỉ khoảng 1.100. Điều đó cho thấy giãn cách xã hội có hiệu quả trong giảm số ca lây nhiễm như thế nào.
Hiệu quả giãn cách xã hội rõ như vậy, nhưng giới chức các nước cũng phải sử dụng biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh những thành phần chủ quan, phớt lờ lệnh. Đâu đó có vị thị trưởng ở Italy phải ra tận đường mắng “xơi xơi” người dân vi phạm lệnh phong tỏa. Ở Anh, có cảnh sát phải đổ nước vào bếp nướng thịt của người dân bày ra trên bãi biển. Ở Kenya, binh sĩ phải dùng hơi cay để “xua” người dân về nhà. Có cô y tá khóc nấc trong một video kêu gọi người dân ở nhà vì những y tá, bác sĩ như cô đã kiệt sức vì chữa trị cho bệnh nhân.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống Covid-19. Thế nhưng gần đây ở nước ta đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một số ca bệnh không rõ nguồn lây nhiễm từ đâu. Do đó, Thủ tướng cho biết giãn cách xã hội là biện pháp rất cần thiết và vẫn cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện trong bao lâu thì tất cả đều tùy thuộc vào ý thức của người dân trong hưởng ứng phong trào “Ở nhà là yêu nước”. Bởi lẽ ở nhà càng nhiều thì rủi ro mắc bệnh, lây bệnh cho người khác càng thấp, góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cả xã hội.
Trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc”, mỗi người cần phải hy sinh chút lợi ích cá nhân, chấp nhận đôi chút bất tiện khi phải “chôn chân” ở nhà hàng tháng trời. Mỗi người cần sống đơn giản một chút, sống chậm một chút. Hãy tìm niềm vui, tìm sự gắn bó khi ở nhà cùng người thân yêu.
THÙY DƯƠNG