Món quà tuổi thơ của mẹ

Các em viết - Ngày đăng : 10:59, 12/04/2020

Giờ đây cầm em búp bê trên tay, mẹ lặng người, mắt rơm rớm làm sống mũi tôi chợt cay cay. Em búp bê vẫn được mẹ cất giữ cẩn thận như một thứ kỷ vật thiêng liêng mà ông ngoại để lại.



Từ hôm thực hiện cách ly toàn xã hội, mẹ con tôi hầu như không ra khỏi nhà. Thức ăn là các loại rau mẹ trồng xanh ngọt trong vườn, gà vịt mẹ nuôi, cá dưới ao bố thả, chỉ cần vác cần ra câu là có món tươi ngon. Mẹ còn làm sẵn một lọ lạc rang muối và một lọ muối vừng để thay bữa cho lạ miệng. Mẹ lau dọn nhà cửa sạch bong, bàn ghế cứ bóng lộn cả lên. Vậy mà mẹ vẫn cảm thấy buồn chân buồn tay, chỉ mong đại dịch qua mau.

Ngoài giờ học trực tuyến, học qua ti vi, tôi cũng tranh thủ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Hôm nay tôi dọn đến kho để đồ cũ. Dạo này mấy bà buôn sắt vụn cũng không xuất hiện như trước. Bao nhiêu là đồ đạc lỉnh kỉnh, lôm côm bày ra trước mắt tôi. Tôi lau chùi, sắp xếp lại mọi thứ thật gọn gàng, cẩn thận. Trong lúc thu dọn, sắp đặt, bất chợt tôi bắt gặp em búp bê được cất trong một hộp bìa các tông. Vội vàng mở ra, tôi reo òa lên:

- Mẹ ơi! Con tìm thấy con búp bê này. Mẹ cho con nhé.

Mẹ chạy lại, ngạc nhiên đến sững sờ:

- Ôi! Món quà tuổi thơ của mẹ. Sao nó lại nằm ở đây nhỉ?

Mẹ cầm búp bê lên ngắm nghía. Ánh mắt mẹ như nhìn vào xa xăm. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ một thời bỗng ùa về với mẹ…

Khi mẹ mới tròn một tuổi thì ông ngoại nhận lệnh vào Nam công tác. Hôm đó bà ngoại phải ru cho mẹ ngủ say rồi mới đưa ông ra ga tàu. Suốt những năm ông công tác vắng nhà, vì mẹ còn quá nhỏ nên không thể hình dung ông thế nào, chỉ ngây ngô nhìn bức ảnh chân dung của ông treo trên tường. Nhưng không lúc nào mẹ thôi nguôi nhớ, mong ngóng ông sớm trở về.

Sau ba năm công tác ở miền Nam, ông ngoại đã hoàn thành nhiệm vụ và về với gia đình. Ngày biết tin ông về, mẹ mới bốn tuổi. Cả ngày mẹ cứ ríu ra ríu rít hỏi bà:

- Bao giờ thì bố về đến nhà? Bố về đến đâu rồi?...

Bà ngoại cứ phải trả lời: “Chốc nữa, một chốc nữa thôi”. Nhưng hôm ấy, rất khuya ông mới về đến nhà vì nhỡ tàu. Mẹ đợi mãi, đợi mãi… Thế rồi cơn buồn ngủ ập đến làm mẹ không cưỡng lại được. Mẹ thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, mẹ thấy em búp bê nằm cạnh. Mẹ mừng rỡ nhưng còn ngỡ ngàng vì chưa biết nó ở đâu ra. Ông lại gần bế em búp bê dậy và quàng tay ôm mẹ vào lòng, thơm lên má mẹ. Mẹ còn ngái ngủ nhưng cũng kịp nhận ra là ông đã về. Mẹ cất tiếng gọi: “Bố” và ôm ông thật chặt. Ông về không mua nhiều quà, chỉ có túi bi ve cho các bác, hai con mèo bằng nhựa nhưng thân bằng cao su và gắn chiếc kèn nhỏ ở dưới bụng. Khi lấy tay ấn mạnh vào thân mèo thì sẽ phát ra tiếng kêu meo… eo. Mẹ chọn con màu tím, bụng màu xanh lá cây. Mẹ còn được thêm em búp bê xinh xắn nữa. Búp bê có đôi mắt màu xanh nước biển trông như hai viên ngọc to, lấp lánh. Mỗi khi mẹ đặt búp bê nằm xuống thì em tự động khép mắt lại, lúc để em ngồi dậy em lại mở choàng mắt rồi chớp chớp. Mẹ có thể điều chỉnh được chân tay em theo ý thích. Mái tóc em màu vàng xoăn tít rất đáng yêu.

Ngày ấy các bác và mẹ không có nhiều đồ chơi phong phú như bây giờ nên những món quà ông ngoại mua về thật quý giá. Túi bi ve mới đẹp làm sao. Các viên bi bằng thủy tinh, bên trong có rất nhiều hình đẹp mắt, khác hẳn với những viên bi được nặn bằng đất rồi nung lên, nhuộm các màu xanh, đỏ… Còn mẹ thì cứ mê mẩn với em búp bê. Mẹ chơi với búp bê cả ngày mà không biết chán. Mẹ chải tóc, buộc tóc, tết cho em đủ các kiểu rồi lại chơi trò chị - em, mẹ - con, cô giáo - học sinh… Lúc ngủ thì mẹ để búp bê nằm cạnh. Em búp bê luôn được mẹ nâng niu, giữ gìn cẩn thận trong suốt thời thơ ấu…

Thời gian trôi đi, mẹ thành người lớn. Mẹ rời xa búp bê lúc nào không hay. Và đến một ngày mẹ bắt đầu cuộc sống mới ở ngôi nhà mới. Bao bộn bề lo toan khiến mẹ quên bẵng món quà tuổi thơ ấy. Mẹ cũng không ngờ nó lại nằm ở kho đồ này. Mẹ vô tâm quá…

Giờ đây cầm em búp bê trên tay, mẹ lặng người, mắt rơm rớm làm sống mũi tôi chợt cay cay. Em búp bê vẫn được mẹ cất giữ cẩn thận như một thứ kỷ vật thiêng liêng mà ông ngoại để lại. Tôi biết mẹ đang nhớ ông. Bất giác, tôi thì thầm “Con sẽ giữ gìn món quà tuổi thơ của mẹ!...”.

​ĐOÀN HUYỀN LINH(Lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)