Câu chuyện ngày đại dịch

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:56, 19/04/2020

Vũ con trai ông Văn, nhân công tác qua Hà Nội mang đến một giỏ quà to tướng.


Vũ con trai ông Văn, nhân công tác qua Hà Nội mang đến một giỏ quà to tướng.

-Thày cháu gửi biếu bác, toàn cây nhà lá vườn. Thày u cháu bảo mời hai bác và các em về chơi. Lâu quá rồi không được uống rượu với bác, thày cháu cứ nhắc luôn đấy ạ!

- Bác cũng nhớ lắm. Cứ định về hưu rồi thì về ở quê lâu lâu với bố cháu cho thỏa. Vậy mà vẫn cứ lần lữa mãi…

Cây nhà lá vườn ông Văn gửi bạn già là yến gạo quê, ít cà chua, su hào, cải bắp… tất cả đều là sản phẩm từ trang trại organic của gia đình. Thứ mà ông Việt thích nhất là can rượu nếp cái hoa vàng nhà cất, mới rót ra chén đã thơm ngây ngất.

Thực ra, gia đình ông Việt không còn quê theo đúng nghĩa của nó. Từ nhiều đời nay, dòng họ Nguyễn Quang nhà ông đã sinh sống ở làng Quỳnh Lôi, ven đô Hà Nội. Ông Việt cũng sinh ra ở ngôi làng một thời cung cấp rau cho nội thành ấy. Khi ông mới lớn, Quỳnh Lôi vẫn còn là một làng quê, với những con đường lát gạch đỏ chạy giữa những ruộng rau, có đủ cây đa, giếng nước, sân đình. Giờ thì tất cả đã thành một khu dân cư đông đúc, chật chội. Ngôi nhà thờ họ Nguyễn Quang có tuổi ngót trăm năm cũng nằm trong diện quy hoạch phải di dời. Làng Quỳnh gần như biến mất cùng những ngôi làng cổ một thời của Hà Nội như Quảng Bá, Ngọc Hà, Khương Thượng…Giờ đây, nhắc đến về quê, là các thành viên gia đình ông Việt nói đến làng Lai, nơi ngày bé ông cùng mẹ về sơ tán…
***
Năm 1965, không quân Mỹ phát động chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ra miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng và một số đô thị thực hiện sơ tán về các vùng quê. Hợp tác xã may xuất khẩu mà mẹ Việt là xã viên sơ tán về một vùng quê cách Hà Nội chỉ chừng dăm chục cây số. Trong lúc người lớn còn lo ổn định nơi ăn, chốn ở và sản xuất thì đám trẻ con đã bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống nơi sơ tán, đặc biệt là những thằng con trai hiếu động như cu Việt. Mẹ con Việt được bố trí về ở nhờ nhà bác Dự. Bác
Dự là cách gọi theo tên anh con trai cả theo phong tục địa phương. Ngoài anh Dự, còn có anh Khuyến, anh Khanh và Văn là cậu út, bằng tuổi và cùng sắp lên lớp 5 như Việt. Vẫn đang nghỉ hè nên những ngày đầu đúng là một kỳ nghỉ đầy hấp dẫn đối với một cậu bé thành phố như cu Việt. Thích nhất là những buổi chiều được theo các anh đi mò cá trên dòng mương thủy lợi. Mấy anh em dàn hàng ngang, đi ngược con nước mát đỏ mịn phù sa dẫn về từ dòng kênh Bắc Hưng Hải chỉ ngang tầm ngực.
Một chiếc nồi đồng được thả nổi bập bềnh phía trước. Thỉnh thoảng một người giơ cao con cá lấp loáng trong nắng chiều reo to: Cho Việt con gáy này! 

Không bắt được con cá nào nhưng Việt được Văn dạy cách phát hiện, moi lên những con trai lẫn trong lớp đất bùn. Chỉ như thế cu cậu cũng đã vô cùng sung sướng. 

Vui nhất vẫn là những đêm sáng trăng. Ở Hà Nội, chưa bao giờ Việt thấy trăng sáng như thế. Ánh trăng vằng vặc, tưởng như soi rõ cả những ngọn cỏ ven bờ ao làng. Gió thì cứ mát rười rượi. Những đêm như thế, bọn trẻ con, cả sơ tán lẫn địa phương chỉ mau mau chóng chóng làm xong mọi việc, học bài quấy quá để được phép chạy ra sân kho hợp tác chỗ đầu làng. Thôi thì đủ trò, vui nhất với bọn con trai vẫn là chơi đánh trận giả. Chia làm hai phe, rình mò, lừa miếng, hạ nhau bằng súng miệng kiểu “Pằng Hùng!”. Lạ là chỉ bắn miệng nhưng kẻ bị “bắn hạ” đa phần tâm phục, khẩu phục, chấp nhận “chết”, đứng ra ngoài cuộc chơi cho đến khi một bên hết quân, bên còn lại chiến thắng. Chơi chán, cả bọn lại nằm lăn ra bãi cỏ rời rợi ánh trăng sát bờ ao mà tán chuyện. Những đứa trẻ Hà Nội thì mơ hết ném bom để về thành phố đi học tiếp. Cả lũ con trai mới 12-13 tuổi ấy, trong đó có Việt, Văn đều không ngờ rằng chúng sẽ phải đánh trận thật và nhiều đứa chết thật nơi chiến trường!

Phải nói là những người dân ở nơi sơ tán cũng như gia đình bà Dự rất tốt. Họ không chỉ nhường nhà, mà còn coi bà con sơ tán từ Hà Nội về như những người thân, sẻ chia từ củ khoai, mớ rau, quả cà… mặc dù đời sống của họ cũng không dư dả gì! Những ngày hợp tác xã nông nghiệp mổ trâu, mổ lợn nhân ngày 2.9, hay Tết Nguyên đán, cả làng như có hội. Mỗi gia đình sơ tán cũng được chia phần như bà con xã viên. Khắp các xóm ngõ rộn tiếng băm chặt, thơm nức mùi xào nấu. Tụi trẻ thường được hưởng đầu tiên, những miếng gan luộc bé tí xíu sao mà bùi, ngon đến thế!

Bằng tuổi, học cùng lớp nên Văn và Việt rất thân nhau. Có gì cũng dành dụm, chia sẻ. Thỉnh thoảng, bố Việt từ Hà Nội về thăm, ngoài phần quà chung, bao giờ cu Văn cũng được một miếng bánh mì, nhắm cùng mấy viên kẹo trứng chim mà Việt dành cho. Hai đứa hay lôi nhau ra gốc sung già mọc ngả ra mặt ao, vừa nhấm nháp vừa trò chuyện. Nhớ nhất là lần đầu tiên cu Việt nếm thịt chuột. Chị dâu cả đi gặt về bắt được con chuột đồng béo mẫm. Buổi tối, ngồi học bài dưới nhà ngang, cu Văn chìa cho Việt miếng thịt trắng ngà nhỏ bằng hai đầu ngón tay:

- Cho mày này.

- Thịt gà à?

- Ừm, cứ ăn đi rồi biết.

 Hai đứa vừa làm bài vừa nhấm nháp miếng thịt một cách ngon lành. Thớ thịt trắng, dai dai, ngòn ngọt thơm mùi lá chanh. Sau Việt mới biết là thịt chuột đồng, một đặc sản ở vùng này những ngày mùa. Tất nhiên, nó giấu biệt không kể với mẹ về trải nghiệm này.

Có một lý do khác khiến Văn quý Việt là bởi trên đầu cậu ta có cái sẹo rất to. Cu Việt chẳng những không trêu nó như những đứa trẻ khác mà còn rất nhiệt tình mỗi khi nó nhờ lấy vỏ bưởi bóp tinh dầu vào đó hy vọng tóc sẽ mọc lại. Thế mà suốt mấy năm ở đấy cho đến lúc đi, cái sẹo mà bọn trẻ gọi vui là “sân bay” vẫn thế, chẳng có cọng tóc nào mọc lên cả!

Cũng chính Văn là người dạy cho Việt biết bơi. Nó chặt một thân cây chuối to, vác ra ao làng cho Việt bám vào đấy mà tập đạp chân. Chỉ sau vài lần uống nước, được Văn túm tóc kéo lên Việt đã biết bơi, tất nhiên là theo kiểu bơi chó. Ban đầu là bì bõm quanh cầu ao, dần dà nó có thể cùng lũ bạn vượt qua ao, sang bên kia bờ chỗ có những ruộng lúa thơm ngát đang lên đòng. 

Những ngày đáng nhớ ấy, giữa hai đứa như có một thỏa thuận hợp tác. Sức vóc và quen việc, Văn giúp Việt kiếm lá tre về đun, rủ nó đi bắt ốc, mò trai, tát vét. Còn Việt sức học khá hơn, giúp Văn làm bài tập, học thuộc lòng. Cũng có lúc chí chóe. Thường là lúc Việt được bác Dự và các anh chị lấy ra làm gương để nhắc Văn học hành. Cùng bài học thuộc lòng, bao giờ Việt cũng thuộc trước. Văn thì ngắc ngứ mãi không xong. Mà ngoài kia thì trăng sáng và gió cứ mát rời rợi, lũ bạn đang chờ với đủ trò chơi.

Vậy nhưng trẻ con dễ giận, mau lành. Chúng chẳng bao giờ giận nhau được lâu. Mãi là bạn thân cho đến ngày Việt theo mẹ về lại thành phố.

Bẵng đi mấy chục năm. Mãi đến khi cuộc sống ổn định, Việt mới tìm lại về làng quê sơ tán thân thương thủa nào. Bác Dự đã mất. Văn sau khi đi bộ đội về đã lấy vợ, có một lũ con và trở thành một ông nông dân thực thụ. Từ đó vợ chồng con cái Việt có thêm một chốn đi về mà dần dà họ gọi là quê. Không thường xuyên nhưng mỗi khi có việc vui buồn, hai nhà đều chia sẻ. Con cái ông Văn cũng coi nhà ông Việt như một địa chỉ đi về mỗi khi ra Hà Nội.
***
Sau Tết con chuột, bắt đầu rộ lên chuyện Cô vi Cô vít, ông Văn gọi điện cho bạn:

- Ông khỏe không, tình hình thế nào?

- Ừ thì tôi cũng nghe bảo phải ở yên trong nhà. Thấy nói con virus này nó ưa những người như anh em mình…

- Đúng rồi, ông cứ phải cẩn thận mới được.

- Cơ mà cũng cuồng cẳng lắm ông ạ. Quen chân chạy…

- Hay là ông lại sơ tán về đây với tôi. Tha hồ rộng rãi, thoải mái.

- Sơ tán thì thôi, nhưng ít bữa nữa tôi sẽ về thăm ông bà, xin bà ấy bữa ốc…

Ngỡ chỉ dăm bữa, nửa tháng, vậy mà đã gần hai tháng nay vẫn thực hiện khẩu hiệu ở nhà là yêu nước. Giờ thì đành đợi. Nghĩ đến bạn, ông Việt lại nao nao nhớ về làng Lai thân thương, nơi có người bạn già gắn bó suốt chừng ấy năm. Trời đã ngả về chiều, ông lấy chiếc chén hạt mít, nghiêng nậm rượu đựng thứ nếp cái hoa vàng bạn gửi. Hương rượu thơm tỏa ra trong căn phòng nhỏ làm vợi cảm giác nhớ nhung. Ước sao đến ngày hết dịch.

Tháng 4.2020

Truyện ngắn của LÊ NGỌC MINH ANH