Lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:29, 21/04/2020

Cả xã hội chung tay cùng lan tỏa tình yêu sách; các phương tiện truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách hay đến bạn đọc. Đó chính là cách khơi dậy niềm say mê đọc sách.

Sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Sách chứa đựng nguồn kiến thức khổng lồ và giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người. Dù ở thời đại nào con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đọc sách là một trong những cách học vô cùng hiệu quả.

Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời cách đây hơn 80 năm tại đất nước Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh George 23.4, mọi người yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng. Từ đó, truyền thống tốt đẹp này được người dân Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các con đường, ngõ phố. Sau đó, hoạt động văn hóa có ý nghĩa trên lan rộng sang các nước.

Ngày nay, với sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin nhưng sách vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ, hoàn thiện tư duy, mở mang kiến thức, rèn luyện cho người đọc những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Sách có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, thế giới tinh thần, trình độ văn hóa, hoạt động xã hội của người đọc. 

Nhưng có một vấn đề hiện nay là rất nhiều thanh thiếu niên lại không ham đọc sách. Nhiều người trẻ tuổi có thể dành hàng giờ để chơi game, lướt Facebook, đọc những tin tức về các ngôi sao... chứ không kiên trì đọc vài trang sách. Vậy làm sao để giới trẻ không thờ ơ với việc đọc sách? Làm sao để lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người?

Trước hết, cần làm cho các bạn trẻ nhận thức sâu sắc những mối nguy hại khi lười đọc sách. Khi không đọc sách thì việc học tập của mỗi cá nhân sẽ trở nên khó khăn, tri thức tiếp thu bị hạn chế, hiểu biết hạn hẹp, vốn từ ngữ nghèo nàn, diễn đạt vụng về, lúng túng. Khi không đọc sách, tâm hồn các em sẽ thiếu cảm xúc, thiếu những rung động chân thành, không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương, thậm chí tâm hồn bị trơ cứng, vô cảm, ích kỷ, kiêu ngạo, tự mãn... 

Như chúng ta đã biết, việc hình thành thói quen đọc sách của thanh thiếu niên được tác động từ các phía, đó là nhà trường, gia đình và xã hội. Trước tiên, cần chú trọng đặc biệt đến hoạt động giáo dục văn hóa đọc sách trong nhà trường. Nếu không thường xuyên thấy sách, nghe nói về lợi ích của sách thì chắc chắn một đứa trẻ sẽ không tự tìm đến sách. Thầy cô và nhà trường sẽ là những người mở cánh cửa lớn để các em đến với sách và hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Cùng với đó, việc giáo dục về thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Cha mẹ, ông bà khuyến khích và định hướng con trẻ từ khi còn nhỏ để tạo cho con một niềm yêu thích sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách. Và sau cùng là cả xã hội chung tay cùng lan tỏa tình yêu sách; các phương tiện truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách hay đến với đông đảo bạn đọc. Đó chính là cách khơi dậy niềm say mê đọc sách, giúp mỗi người hiểu hơn lợi ích của việc đọc sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn... Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên”. Vì vậy, chúng ta nhất định phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của sách và tiếp tục lan tỏa nhiều hơn nữa văn hóa đọc trong giới trẻ.

 ĐẶNG XUÂN KA (TP Hải Dương)