Chùa Trâm Khê - Di tích cách mạng
Di tích - Ngày đăng : 13:53, 29/04/2020
Di tích cách mạng chùa Trâm Khê
Tọa lạc trên một mảnh đất cao ở đầu cánh đồng Chiền, mặt tiền quay về phía tây nam, chùa Trâm Khê ở thôn Trâm Giữa, xã Thái Hòa (Bình Giang) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh năm 2011.
Theo các cụ cao niên trong làng, chùa Trâm Khê được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào các năm Tự Đức 31 (1878) và Thành Thái 15 (1903). Công trình có quy mô lớn được xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Phía sau chùa có 5 gian nhà thờ tổ, tất cả đều bằng gỗ tứ thiết quý hiếm. Đặc biệt, chùa nằm cách biệt với khu dân cư, bao quanh khu di tích có nhiều cây cổ thụ.
Chùa Trâm Khê không chỉ là nơi thờ Phật mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng. Cào cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người làng Đông Thôn, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) là đảng viên Đảng Cộng sản từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) vượt ngục về ấp Dọn (xã Thái Dương) hoạt động. Khi bị giặc truy lùng đã ẩn nấp trong chùa Trâm Khê. Từ đây, đồng chí tổ chức nhiều cuộc họp bí mật, trong đó có cuộc họp về trừ khử tên việt gian Ký Tước. Hoạt động tại di tích, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã giác ngộ sư cụ Thích Bảo Tâm, trụ trì chùa và sư thầy Đàm Thanh Vân tham gia cách mạng. Vì thế, ngôi chùa luôn là địa điểm hoạt động an toàn của cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tuần lễ vàng”, chùa Trâm Khê đã ủng hộ 2 tấn thóc và 1 cây vàng, ngoài ra nhà chùa còn phát động các Phật tử ủng hộ cách mạng nhiều thóc và vàng bạc.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1949), Huyện ủy, Ban Địch vận, Ban Giao liên huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Tráng Liệt, Ban Chỉ huy Đại đội 20, Trung đoàn 42, Ban Chỉ huy Đại đội Lê Lợi, Ủy ban Kháng chiến hành chính, Xã đội Thái Hòa cũng lấy chùa làm nơi hoạt động.
Vào đêm 19, rạng sáng 20.4.1950, lực lượng vũ trang của ta xuất phát từ chùa Trâm Khê, tấn công địch ở chùa Trê. Trận đánh diễn ra ác liệt, quân ta giành thắng lợi lớn, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, hàng chục tên lính Lê Dương bị tiêu diệt. Sau khi do thám biết chùa là căn cứ hoạt động cách mạng, thực dân Pháp đã cho đốt phần lớn các hạng mục kiến trúc của chùa. Thời gian này, chùa Trâm Khê chỉ còn 3 gian thượng điện và tiếp tục được huy động để làm cơ sở hoạt động cách mạng.
Nửa đêm 20.4.1954, biết đồng chí Phạm Văn Phổ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Thúc Kháng, phái viên của Huyện ủy Bình Giang mang công văn của huyện phổ biến kế hoạch chống càn cho cơ sở Thái Hòa đến chùa Trâm Khê, thực dân Pháp đã từ Kẻ Sặt, Phủ Vạc, Trương Xá kéo đến lặng lẽ bao vây chùa, giết hại đồng chí Phổ ngay tại gốc cây đa. Sau đó, chúng cho quân lục soát chùa, bắt sư thầy Đàm Thanh Vân đánh đập. Nhà sư không khai một lời nên lực lượng cán bộ chủ chốt của huyện Mỹ Hào, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Tráng Liệt ẩn nấp dưới hầm bí mật tại thượng điện chùa vẫn được an toàn. Chúng trói nhà sư vào cột, châm lửa đốt chùa và tràn vào làng Trâm Khê giết hại hơn 20 người.
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa lại được chọn là nơi hội họp của các đoàn thể trong xã, nơi chứa xăng dầu dự trữ quốc gia. Hàng nghìn phi xăng dầu được chuyển vào miền Nam để góp phần đánh giặc Mỹ thắng lợi.
Năm 1990, dân làng góp công, góp của khôi phục lại ngôi chùa trên nền cũ, vừa là nơi thờ tự, diễn ra các nghi lễ phục vụ tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa vừa là nơi hội họp của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương. Di tích gồm 3 gian tiền đường và 2 gian thượng điện, xây tường hồi bít đốc, tạo dáng quai chảo, mái lợp ngói mũi truyền thống. Phía trước hồi xây giật cấp nối với hai cột đồng trụ ở hai bên, trên cột đắp nổi phù điêu nghê và hoa lá nghệ thuật. Bờ nóc đắp vẽ bảng tự với ba chữ Hán ghép sứ: “Bát Giác tự”. Cùng với công trình chính, trong khu di tích còn một số công trình khác như nhà thờ Mẫu, nhà khách, cổng, non bộ...
ĐẶNG THU THƠM