Điều chỉnh ăn, ngủ ra sao để trẻ không "sốc" khi đi học lại?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:19, 01/05/2020

Gần 3 tháng ở nhà nghỉ Tết và tránh dịch, học sinh đã quen ngủ trễ, dậy trễ, thích gì ăn nấy, thích giờ nào ăn giờ nấy... Nay đi học lại, trẻ cần điều chỉnh để thích ứng với lịch mới.

Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) bắt đầu đi học lại từ 27.4 - Ảnh: DOÃN HÒA

Nên nhớ 3 tháng vừa qua cũng không hẳn là hè với trẻ vì vẫn phải học tập tại nhà. Ngoài ra áp lực hoàn tất chương trình còn lại trong thời gian ngắn, nhất là học sinh cuối cấp, cũng là một trong những thách thức với các em. Do đó nếu phụ huynh có chuẩn bị kỹ thì sẽ giúp trẻ dễ dàng đạt kết quả học tập tốt hơn.

Điều chỉnh lại giấc ngủ

Trong lúc nghỉ ở nhà, trẻ có xu hướng ngủ trễ, dậy trễ, ngủ trưa trễ và nhiều. Lịch này kéo dài một thời gian đã tạo thành thói quen và nay cần phải điều chỉnh một vài ngày trước khi đi học lại. 

Trẻ từ 6-12 tuổi cần ngủ tối thiểu 9 tiếng mỗi ngày và trẻ 12-18 tuổi cần ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày. Như vậy, để sáng có thể dậy sớm đi học, học sinh tiểu học cần ngủ trước 21h và học sinh cấp 2 trở lên cần đi ngủ trước 22h. 

Nếu không ngủ trưa tại trường, khi về nhà học sinh cần có giấc nghỉ trưa sớm (12-12h30) và ngắn (30-60 phút) để tránh khó ngủ buổi tối do ngủ trưa trễ và quá dài.

Bảo đảm cho trẻ vận động 60 phút mỗi ngày

Thời gian đi học lại là thời gian trẻ có nguy cơ thiếu hoạt động thể lực do các câu lạc bộ thể dục thể thao có thể chưa mở lại, phụ huynh ngại cho tham gia, thời gian ngồi học nhiều, lịch học dày đặc...

Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên sắp xếp cho trẻ có đủ vận động theo khuyến nghị 60 phút mỗi ngày với cường độ từ trung bình trở lên, tức là có tăng nhịp tim và có thể chia nhỏ ra 2-3 lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 15 phút. 

Hạn chế thời gian giải trí với màn hình (tivi, máy tính bảng, điện thoại) không quá 1-2 giờ mỗi ngày. Tùy theo hoàn cảnh mà phụ huynh cho trẻ vận động với những loại hình phù hợp như đi bộ, đạp xe, nhảy dây, đá cầu, cầu lông, bóng rổ, bóng đá…

Xây dựng thực đơn đủ chất theo khuyến nghị

Phụ huynh phải tính trước và thảo luận với trẻ món ăn sáng sao cho ngon và tốt cho sức khỏe (có thể chuẩn bị tại nhà hoặc mua bên ngoài), chuẩn bị tinh thần nấu bữa ăn trưa sẵn cho trẻ ăn nếu trường chưa tổ chức bán trú, chuẩn bị sữa tươi hộp giấy cho trẻ mang theo cho bữa phụ, và bảo đảm đủ rau và trái cây trong thực đơn hàng ngày.

Trẻ nên uống 2-3 hộp/ly sữa mỗi ngày, ưu tiên sữa tươi không đường. Về rau và trái cây, theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, đối với trẻ 6-11 tuổi, trẻ nên ăn 2-3 đơn vị rau và 1,5-2,5 đơn vị trái cây mỗi ngày. Đối với trẻ 12-14 tuổi, trẻ nên ăn 3-4 đơn vị rau và 3 đơn vị trái cây mỗi ngày. 

Một đơn vị rau và trái cây tương đương 80 gram hay 1 chén canh rau hay 1 quả trái cây trung bình (quả chuối, quả táo nhỏ…). Như vậy bữa ăn nào gia đình cũng phải chuẩn bị 3 món: mặn, canh rau và rau xào (hoặc luộc) và chuẩn bị tráng miệng trái cây mỗi bữa mới có thể đáp ứng theo khuyến nghị về rau và trái cây.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị bình nước cho trẻ mang theo đi học trong mùa nóng này để trẻ uống đủ nước. Trẻ nhỏ (6-11 tuổi) khuyến khích uống 6 ly nước mỗi ngày; trẻ lớn hơn và người lớn là 8 ly nước mỗi ngày. 

Cuối cùng là cố gắng giữ lịch và thời khóa biểu ăn ngủ tương đối điều độ với bất kỳ hoàn cảnh lịch học như thế nào.

Ngoài ra để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là những trẻ chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp quan trọng, phụ huynh lưu ý cho trẻ tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng dịch của nhà nước (mang khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách…), đồng thời đi tiêm ngừa cho trẻ những bệnh thường gặp để phòng ốm vặt.

Khi dùng máy lạnh, nhớ chỉnh nhiệt độ phù hợp trong mùa nóng để tránh bị viêm đường hô hấp, nhiễm siêu vi (duy trì nhiệt độ 27-28 độ C); chuẩn bị sẵn áo mưa trong cặp, đi đo lại khúc xạ cho trẻ có tật khúc xạ về mắt (cận, viễn, loạn thị) nếu đã quá lâu chưa đo...

Theo Tuổi trẻ